Quốc tế 02/01/2014 13:21

4 điểm nóng của châu Á-Thái Bình Dương năm 2014

FICA - Theo tạp chí Diplomat, tạp chí chuyên về châu Á-Thái Bình Dương, sau một năm 2013 đầy căng thẳng, khó có thể kỳ vọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ bớt sóng gió hơn vào năm 2014.

Theo bài viết của tác giả Harry Kazianis trên tạp chí The Diplomat, không có gì phải bàn cãi khi nhận định năm 2013 khu vực châu Á - Thái Bình Dương “đầy ắp” sự quan tâm của giới quan sát an ninh, quốc phòng và ngoại giao. Nhìn nhận từ những gì khu vực đã trải qua trong năm 2013, theo tác giả, năm 2014 sẽ có 4 điểm nóng nổi bật cần chú ý và giống như những năm trước, gần như tất cả đều có liên quan đến Trung Quốc, xét trên nhiều phương diện. Tác giả đã xếp 4 điểm nóng của khu vực theo cấp độ từ thấp đến cao.

1. Kịch bản ở Hoa Đông: Theo tác giả, hãy quên cuộc nội chiến ở Syria, chương trình hạt nhân của Iran, hay cuộc rút quân của Mỹ ở Afghanistan, không có điểm nóng quốc tế nào hiện “nóng” hơn ở Hoa Đông. Dựa vào thực tế hai nền kinh tế lớn thứ nhì và thứ ba thế giới đang vướng vào vòng xoáy căng thẳng mà có thể cuốn Mỹ vào theo, thì căng thẳng không thể không tăng cao trong năm 2014. Khi Trung Quốc tiếp tục tuần tra khu vực bằng tài sản không quân và hải quân, tuyên bố vùng phòng không trên quần đảo tranh chấp giữa Trung-Nhật, tác giả cho rằng “lời nguyền” chết chóc dường như đang hình thành. Liệu các phương tiện hải quân và không quân của hai nước có tiến tới đủ gần để xảy ra đụng độ? Rồi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Hãy chờ xem vào năm 2014.

2. Kịch bản ở Biển Đông: Theo tác giả có vẻ như căng thẳng ở vùng biển này chưa bao giờ chấm dứt và năm 2014 tình hình cũng như vậy. Dựa vào việc vùng biển với nhiều nguồn tài nguyên Biển Đông có một loạt nước tuyên bố chủ quyền chồng chéo, năm 2014 sẽ có một loạt căng thẳng. Theo tác giả, điều đáng lưu tâm là Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy chủ quyền của mình qua “Ngoại giao cây gậy nhỏ” – theo nhận định của học giả James Holmes của tờ The Diplomant, nhưng cây gậy đó lại ngày một lớn dần, lớn dần. Với Bắc Kinh gần đây triển khai tàu sân bay mới tới Biển Đông để diễn tập sau khi tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Hoa Đông, tác giả cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng áp lực ở các khu vực, như Bãi Cỏ Mây.

3. Căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục gia tăng: Sự trỗi dậy của Trung Quốc chắc chắn là câu chuyện toàn cầu. Năm 2014, tác giả dự đoán, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ có “ngã rẽ” mới, tạo ra những căng thẳng cạnh tranh lớn hơn với Mỹ, quốc gia đang thực hiện “trục xoay” sang khu vực. Ông dự đoán năm 2014 sẽ có thêm nhiều vụ việc trên biển, giống như vụ suýt va chạm giữa tàu Cowpens của Mỹ và tàu chiến Trung Quốc; hay tranh chấp thương mại, và một khối thương mại mới (TPP) sẽ được hình thành; rồi cáo buộc do thám nhau từ cả hai phía (như vụ Edward Snowden). Tác giả cho rằng có thể nhìn thấy rõ năm 2014 sẽ không phải là một năm dễ dàng trong mối quan hệ Trung-Mỹ, mặc dù Trung Quốc đã nói về việc tạo dựng một mới quan hệ kiểu mới với các cường quốc lớn và tìm kiếm mối quan hệ 50-50 với Mỹ cũng như Tổng thống Mỹ Obama mong mỏi củng cố một mối quan hệ hòa bình với Trung Quốc.

Tác giả kết luận: Mối quan hệ Washington-Bắc Kinh năm 2014 sẽ “cạnh tranh hơn, căng thẳng hơn, và tràn ngập những tuyên bố thẳng thừng có mục đích từ cả hai phía và cả hai bên sẽ ít nỗ lực làm hài lòng nhau trong khi tăng đối đầu”.

4. Triều Tiên một lần nữa sẽ tạo căng thẳng: Năm 2014 sẽ chứng kiến vô số khả năng Bình Nhưỡng gây căng thẳng ở Đông Bắc Á và hầu hết rất đáng báo động như từ khả năng nước này tiến hành thử hạt nhân hoặc tên lửa, tới có hành động hiếu chiến nhằm tạo ra một cuộc khủng hoảng trong khu vực (kiểu như vụ tàu chiến Cheonan hay thậm chí còn tồi tệ hơn). Tác giả thậm chí còn nhắc đến khả năng Triều Tiên sụp đổ. Và Harry Kazianis nhận định “Triều Tiên luôn có khả năng ném Đông Bắc Á và cả khu vực rộng lớn hơn vào tình trạng hỗn loạn”, dựa trên một loạt hành động của lãnh đạo Kim Jong-un trong năm 2013.

Vũ Quý

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *