Góc nhìn 24/10/2018 10:25

Vinasun - Grab: Chưa chắc đã như bề ngoài?

Đa số ý kiến tôi đọc được về vụ Vinasun kiện Grab đều bênh Grab và cho rằng Vinasun kiện không có cơ sở. Lý do được đưa ra là Grab ứng dụng công nghệ nên rẻ hơn, chất lượng tốt hơn nên thu hút được khách hàng. Vinasun kiện Grab là đang kéo lùi lịch sử.

Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế VCCI

Trước khi đi vào cụ thể, tôi xin lấy một ví dụ. Anh A và anh B đánh nhau. Kết quả trận đấu là anh A đấm trúng 20 quả, anh B đấm trúng 2 quả. Anh A to khoẻ hơn, đã tập võ 10 năm. Anh B ốm yếu lại không thể dục thể thao. Chúng ta sẽ cho rằng A thắng là tất nhiên và B thua là đúng.

Nhưng nếu sau trận đấu, người ta phát hiện ra A đã sử dụng doping khi đánh nhau với B thì sao? Lúc này, việc A thắng B, 20-2 sẽ có 2 phần nguyên nhân. Một là do A khoẻ hơn và có tập võ. Hai là do A sử dụng doping. Nếu giả sử A không sử dụng doping thì A chỉ có thể thắng 12-2 thôi chẳng hạn. A vẫn thắng, nhưng tỷ số thấp hơn.

Tức là chỉ có 12 cú đấm là do thực lực của A, còn 8 cú đấm là nhờ hỗ trợ của doping. Vậy lúc này, nếu B kiện ra toà đòi A phải bồi thường cho 8 cú đấm kia có được không? Nếu bạn là thẩm phán thì bạn có chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường đó không? Ví dụ trên để minh hoạ cho thực tế rằng, dù A thắng B là điều rất hiển nhiên, nhưng vẫn có nhiều thứ phải xét trước khi đi đến kết luận.

Quay trở lại cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Việc taxi công nghệ ứng dụng công nghệ khiến họ rẻ hơn, chất lượng tốt hơn là điều không ai phủ nhận, kể cả các hãng taxi truyền thống cũng công nhận điều này. Cái này giống như việc A to khoẻ và có võ, là một trong những lý do khiến A thắng, nhưng chưa chắc đã là lý do duy nhất.

Tạm gọi tiến bộ công nghệ là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai, chi phí tuân thủ pháp luật của Grab thấp hơn Vinasun. Điều này có thể nhìn thấy rất rõ khi đọc các quy định quản lý taxi.

Ví dụ một số quy định taxi truyền thống phải tuân thủ mà Grab thì không: taxi phải có mào và phải đăng ký mầu sơn; taxi phải có đồng hồ tính tiền và phải được kiểm định định kỳ; (3) taxi có niên hạn ngắn hơn, có thời hạn đăng kiểm ngắn hơn; taxi phải gắn thiết bị giám sát hành trình và gửi dữ liệu về Sở Giao thông, Sở có thể trích xuất dữ liệu để xử phạt lái xe khi chạy quá tốc độ hoặc lái xe quá 4 tiếng không nghỉ;… Đáng lẽ ra, Nhà nước không nên quy định như vậy và phải để cho taxi truyền thống tự do cạnh tranh với taxi công nghệ.

Lý do thứ ba, Grab cạnh tranh không lành mạnh hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh. Một trong những hành vi bị cấm trong luật cạnh tranh là “bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh” (nôm na nhiều người hay gọi là bán phá giá, dù thuật ngữ này không thực sự chuẩn). Hành vi này có thể so sánh với việc A thắng B bằng cách đấm vào chỗ hiểm, khiến cho B vĩnh viễn không thể đánh nhau được nữa.

Thực tế, trước khi sáp nhập Uber, Grab có chính sách giá cước rẻ như cho. Nếu chỉ vì lý do tiến bộ công nghệ, Grab khó mà có thể rẻ được như vậy. Mức giá quá thấp thời gian trước của Grab khiến nhiều người phải đặt câu hỏi. Nếu thực sự họ đang “bán phá giá” nhằm tiêu diệt đối thủ cạnh tranh thì đối thủ cạnh tranh có quyền khởi kiện đòi bồi thường chứ.

Vậy bây giờ câu hỏi đặt ra là lý do thứ hai và lý do thứ ba có tồn tại không? Và nếu có thì đóng góp bao nhiêu % vào thiệt hại của các hãng taxi truyền thống?

Lý do thứ 2 thì chắc chắn đang tồn tại. Câu hỏi bây giờ là lý do này đóng góp bao nhiêu % vào thiệt hại của Vinasun? Phần thiệt hại này, đáng ra phải do Nhà nước chịu trách nhiệm vì Nhà nước là người ban hành những quy định bất bình đẳng trên.

Thực tế thì thời gian qua, khi sửa Nghị định 86, Vinasun đã vận động mạnh mẽ để không còn sự bất bình đẳng như trên đã liệt kê. Nhưng cái tôi không đồng tình là thay vì vận động Bộ GTVT gỡ bỏ rào cản cho tôi, Vinasun lại đang vận động Bộ quàng thêm rào cản cho Grab. Có thể do Vinasun nhận thấy rằng Bộ GTVT thích thêm rào cản hơn là bớt rào cản nên mới làm vậy.

Lý do thứ 3 thì cần phải xác định rất nhiều yếu tố mới có thể kết luận. Tôi không đủ cơ sở để kết luận việc này có hay không, và ở mức độ nào, nhưng nếu tôi là thẩm phán thì đây sẽ là một nội dung quan trọng cần phải làm rõ trong vụ việc.

Tóm lại, tôi ủng hộ Grab ứng dụng công nghệ, tôi cũng ủng hộ cả Vinasun, Mai Linh hay nhiều hãng khác sử dụng công nghệ để kinh doanh. Nhưng tôi phản đối những quy định quản lý kinh doanh mang tính trói buộc của Nhà nước, và tôi cũng phản đối việc “bán phá giá” nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh, vi phạm Luật cạnh tranh.

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế, VCCI

Nguyễn Minh Đức sinh ngày 22 tháng 7 năm 1987, tốt nghiệp đại học là cử nhân Luật và hiện đang là thành viên Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *