Góc nhìn 22/10/2018 09:58

Trung Quốc là đối thủ lớn nhất của nông sản Việt Nam

Trung Quốc vừa là đối tác nhưng cũng là đối thủ lớn nhất của nông sản Việt Nam.

Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Cổ phần Bagico 

Sản xuất nông nghiệp của chúng ta chủ yếu là nông hộ, sự liên kết rất hình thức và rời rạc, mạnh ai nấy làm. Còn các đại gia thì họ chọn phần nào ít rủi ro nhất trong chuỗi họ chiếm lĩnh, vì thế nhiều khi ra thị trường mình càng ngày càng tụt hậu, thấy rất tủi nhục. 

Nông sản Việt đang dần bị xếp xuống hạng bình dân ở ngay thị trường Trung Quốc, nơi mà nhiều năm trước luôn được coi là đặc sản.

Tuy Trung Quốc là đối tác nhưng cũng là đối thủ lớn nhất của nông sản Việt Nam. Vì sao là đối tác lớn nhất thì trong thời gian qua ai cũng đã rõ. Nhưng vì sao họ là đối thủ lớn nhất thì bởi chúng ta rất thiếu thông tin.

Ngày nay công nghệ phát triển, ứng dụng CNC (ứng dụng công nghệ điều khiển bằng máy tính – PV) của họ vượt bậc so với ta. Các nông sản chúng ta có hầu như Trung Quốc đều có hoặc họ lai tạo rất nhanh để phù hợp và tốt hơn. Bản thân thị trường nội địa họ rất lớn chưa kể đến xuất khẩu và chế biến cũng rất lớn so với chúng ta. Vì thế họ đầu tư sản xuất sẽ lợi hơn chúng ta vì giá thành rẻ, tự động cao.

Đặc biệt chiến lược thương hiệu quốc gia của họ rất đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Chúng ta đừng lầm tưởng Trung Quốc là thị trường dễ tính. Thu nhập của họ ngày càng cao, kiểm soát thị trường ngày càng chặt chẽ và hiện đại. Họ kiểm soát truyền thông khá tốt nên không dễ gì mà các sản phẩm kém chất lượng có thể bán được. Rất nhiều nông sản Việt họ mua về làm thức ăn gia súc hay làm phân bón.

Muốn giữ đối tác này chúng ta cần hiểu họ nhiều hơn để biết họ cần gì, họ muốn gì và chúng ta có cạnh tranh được với những sản phẩm cùng loại của họ không?

Đặc biệt cần học và hợp tác chế biến nông sản. Họ đã sản xuất lớn, có thị trường, nhưng nguyên liệu thô nhập từ Việt Nam về sẽ đội giá rất cao vì chi phí trung gian ngày càng tăng. Việc bán các nông sản thô của chúng ta sẽ ngày càng gặp khó khăn và họ sẽ tìm cách phát triển sản xuất trong nước để tăng nguồn cung .

Khi chúng ta nâng cao trình độ sản xuất, có thể cạnh tranh xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng thì chúng ta mới đủ tự tin hội nhập một cách bền vững. 

 

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *