Góc nhìn 23/10/2018 09:11

Làm thì lâu, hỏng thì nhanh

“Làm thì lâu, hỏng thì nhanh”, đó là thực trạng đáng buồn của nhiều công trình đầu tư công hiện nay, đặc biệt là ở một số dự án giao thông với tổng mức đầu tư rất lớn, đây là “một căn bệnh” của đầu tư công, cần sớm được xử lý…

TS Trần Chủng, Trưởng ban chất lượng – Tổng hội xây dựng Việt Nam;

nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng)

Đường cao tốc là công trình giao thông có yêu cầu đặc biệt về an toàn, bởi các phương tiện giao thông được lưu hành với tốc độ cực cao (120 km/giờ). Bất kỳ một sự không êm thuận của mặt đường đều có thể gây ra những tai nạn thảm khốc. Trước tiên là những hư hại ở lớp bề mặt của đường.

Đối với vụ việc này, Bộ Giao thông Vận tải, với trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông cần có những chỉ đạo kịp thời, không chỉ tìm ra giải pháp khắc phục, xử lý các cá nhân và chủ thể vi phạm mà cần nghiêm khắc rút ra bài học cho mọi dự án đặc biệt là các dự án cao tốc thuộc vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Không chỉ đối với vụ dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vừa thông xe đã có hư hỏng như vừa rồi mà ở mọi dự án đầu tư công đều cần rút bài học. Có thể nói, các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư công là khá nhiều trong đó quy định quyền, nghĩa vụ của các chủ thể và nhiều giải pháp kiểm tra chéo. Tuy nhiên, từ cấp cao như Chính phủ, cấp Bộ, cấp tỉnh được giao là chủ quản đầu tư, cho đến các thiết chế giám sát đều phải soi lại xem các nút thắt cần tháo gỡ và trình tự tháo gỡ để đầu tư công hiệu quả hơn.

Theo Luật Xây dựng, chủ thể nào cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình làm ra và phải đền bù thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Vì vậy, bất kỳ một sự cố hay hư hỏng công trình xảy ra, chúng ta cần tìm lỗi kỹ thuật của các hư hỏng đó đến từ đâu. Lỗi do nhà thầu làm sai thiết kế, không tuân thủ quy trình kỹ thuật thi công thì đương nhiên nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm chính và nhà thầu giám sát chịu trách nhiệm gián tiếp. Nếu lỗi kỹ thuật do thiết kế sai thì nhà thầu thiết kế phải chịu trách nhiệm đền bù. Nhưng luật cũng quy định chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng công trình.

Tôi cho rằng dự án đầu tư công hiện nay có một lỗ hổng lớn nhất đó là vấn đề sở hữu., Chúng ta đã nói quá nhiều về việc triển khai bằng tiền ngân sách kiểu “tiền chùa” và cái gọi là hiệu quả và chất lượng dự án luôn day dứt chúng ta. Chúng ta cũng đã đưa ra rất nhiều quy trình quản lý nhưng thực tế cho thấy, rõ ràng chưa quản lý hiệu quả.

Vì vậy, theo tôi, nút thắt quan trọng đầu tiên cần tháo gỡ ngay chính là “Chủ đầu tư”. Định nghĩa về chủ đầu tư trong Luật xây dựng có hai vế: là người “sở hữu vốn” hoặc “được giao trực tiếp quản lý và sử dụng vốn”. Chúng ta đang chứng kiến một thực tế là các dự án tư nhân, chủ đầu tư đều nỗ lực về trước tiến độ và chất lượng được coi trọng.

Trong khi ở chiều ngược lại là các dự án đầu tư công mà các “ông chủ” này được giao quản lý và sử dụng vốn nghĩa là không phải vốn của mình. Do vậy mấu chốt là xử lý được vai trò của chủ đầu tư các dự án đầu tư công này.

Cần có cơ chế pháp lý quản lý, giám sát hết sức chặt chẽ đối với chủ đầu tư. Cần chuyên nghiệp hóa các loại chủ đầu tư này để họ phải chịu trách nhiêm suốt vòng đời của dự án và phải có cơ chế công khai về lợi ích kinh tế cuả họ đủ hấp dẫn gắn với sự thành công của dự án chứ không thể hô hào trách nhiệm suông nữa. Nếu không quy định được rõ ràng trách nhiệm chủ đầu tư thì cũng dễ rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”.

Có lẽ đã đến lúc cần có một chương riêng trong luật đầu tư công bàn về chủ đầu tư, bàn về con người, quy tắc vận hành giám sát, cơ chế trách nhiệm, cả cơ chế dân sự, hình sự đối với chủ đầu tư và cả các thiết chế giám sát. Khi ý thức được vai trò của mình, chủ đầu tư sẽ phải chọn nhà thầu cẩn thận, đồng thời liên tục kiểm tra giám sát các nhà thầu tham gia làm ra sản phẩm.

Mặt khác cơ chế giám sát đối với chủ đầu tư các dự án đầu tư công trong quá trình thực hiện đầu tư cần được thay đổi để hiệu lực hơn. Không để có quá nhiều loại hình giám sát và chồng chéo nội dung rồi dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

 

 

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *