Góc nhìn 16/05/2019 14:10

Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, Việt Nam ảnh hưởng như thế nào?

Nếu Việt Nam hiểu rõ tình hình, nắm bắt cơ hội tốt, có thể xoay trục thì đó điều tốt nhất. Nhưng dù sao, Việt Nam vẫn có cơ hội trong cuộc chiến này. Tất nhiên, đó chỉ là ngắn hạn.

Nguyễn Hồng Điệp

Chuyên gia chứng khoán

Như trong một bài viết gần đây, tôi đã đưa ra luận điểm Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung là không thể tránh khỏi. Bản chất thực sự của cuộc chiến này là do Trung quốc phát triển quá nhanh và nguy hiểm (The Fast and the Furious). Mỹ cảm giác bị đe dọa vị trí số 1, vị trí thống trị nền kinh tế thế giới. Cho nên Mỹ sẽ chỉ dừng lại khi nền kinh tế Trung quốc bị giảm tốc, có thể về mức tăng trưởng 2%-3%. Cuộc chiến này sẽ còn kéo dài. 

1. Việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất của Trung Quốc. Để duy trì được sản lượng, Trung Quốc đã dùng vũ khí "phá giá đồng nhân dân tệ". Về mặt ngắn hạn, khi nhân dân tệ giảm giá, các doanh nghiệp không cần tăng giá bán, vẫn có thể bù đắp lại phần thiếu hụt từ thuế.

Tuy nhiên, đây lại là "con dao 2 lưỡi". Đồng nhân dân tệ giảm giá, sẽ gây hệ lụy lớn đến nợ quốc gia. Ngoài ra, cho dù Trung Quốc là quốc gia "tự sản tự tiêu", nhưng vẫn có những mặt hàng cần nhập khẩu. Việc này sẽ dẫn đến lạm phát, mất lòng tin từ giới đầu tư quốc tế. Có thể nói, phá giá nhân dân tệ về lâu dài, sẽ kéo Trung Quốc vào "bóng đêm tăm tối".

2. Trung Quốc là "anh" Việt Nam, "núi liền núi, sông liền sông", bạn tốt 8 chữ vàng. Trung Quốc hắt hơi sổ mũi, là Việt Nam bị ảnh hưởng ngay. Khi nhân dân tệ bị giảm giá, thì Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu. Trung Quốc là nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất. Năm 2018 Việt Nam xuất sang Trung Quốc 41 tỷ USD, nhập khẩu trị giá 65 tỷ USD. Như vậy, một số doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực như nông lâm thủy sản, sẽ bị ảnh hưởng về biên lợi nhuận ròng. Ở chiều ngược lại, hàng hóa Trung Quốc có thể sẽ tràn qua Việt Nam, giá sẽ rẻ hơn. 

3. Năm 2018, Trung Quốc phá giá nhân dân tệ khoảng 8%. Với tình hình này, có khả năng năm nay cũng sẽ không ít hơn 8%. Trung Quốc càng phá giá, Mỹ càng tăng thuế cao hơn.

Như đã phân tích, hành động phá giá về mặt bản chất, là "tự bắn vào chân mình". Mất lòng tin, tăm tối dài hạn, đóng cửa ra thế giới, đó là viễn cảnh của Trung Quốc. Khả năng vỡ nợ cũng có thể xảy ra.

Vậy Việt Nam sẽ đối phó ra sao đây? Có 3 kịch bản: Kịch bản thứ nhất: Việt Nam cũng phá giá tiền đồng, ở một mức độ tương ứng. Nếu 1USD = 26.000 thì sẽ xảy ra điều gì? Hãy nhớ rằng, kinh tế Việt Nam có độ mở cao hơn Trung Quốc nhiều. Việt Nam nhập siêu cao, rất nhiều mặt hàng chiến lược như xăng dầu, đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Nếu phá giá tiền đồng, CPI chắc chắn sẽ ở 2 con số. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư từ khối ngoại sẽ dừng lại ngay. Đây là điều mà các lãnh đạo không mong muốn. Cho nên xác suất xảy ra kịch bản này là thấp.

Kịch bản thứ hai: phá giá tiền VND ở mức hợp lý, tầm 3-5%. Trong trường hợp này, xuất khẩu cũng có hưởng lợi nhất định, nhưng cũng không làm CPI tăng quá cao, chỉ tầm 7-8%. Nợ quốc gia cũng chấp nhận được. Đây là kịch bản tốt nhất.

Kịch bản thứ ba: tiếp tục neo giá tiền đồng "phi tự nhiên" như hiện nay. Khi đó, CPI sẽ lại có con số "ảo diệu" 4%. Tiền đầu tư sẽ tăng cao, sẽ có bong bóng chứng khoán, bất động sản. Chúng ta sẽ lại ở thiên đường bằng những con số "tự ru ngủ nhau". 

4.Trump đã từng nói, Việt Nam là nơi tuyệt vời để giao thương, là nơi tuyệt vời để các bạn đầu tư Mỹ và phương Tây chuyển đền (từ Trung Quốc). Cho dù thể chế của Việt Nam vẫn là vậy, là người anh em cột chèo với Trung Quốc, nhưng Việt Nam vẫn có được lòng tin nhất định từ giới đầu tư quốc tế. Chủ yếu là do tính ổn định trong điều hành kinh tế vĩ mô mấy năm qua.

Nếu Việt Nam hiểu rõ tình hình, nắm bắt cơ hội tốt, có thể xoay trục thì đó điều tốt nhất. Nhưng dù sao, Việt Nam vẫn có cơ hội trong cuộc chiến này. Tất nhiên, đó chỉ là ngắn hạn. Còn về mặt dài hạn, lại phụ thuộc nhiều ở vấn đề khác, cốt lõi và mang tính bản chất hơn.

5. Thị trường chứng khoán sẽ ra sao? Rõ ràng, trong ngắn hạn Việt Nam chắc chắn sẽ là nơi dòng tiền (từ Trung Quốc) đổ vào. Tiền có thể của giới đầu tư Mỹ, nhưng cũng có thể, là những dòng tiền mới, chưa tìm được địa chỉ tốt, nay xuất hiện Việt Nam, họ sẽ thấy đó là cơ hội.

Tiền vào sẽ là máy bơm công suất lớn, đẩy chứng khoán Việt Nam lên cao. Không loại trừ năm nay chúng ta sẽ lại nhìn thấy con số 1.200. Nhưng phải hiểu rằng, đó cũng chỉ là dòng tiền đầu cơ, vào nhanh, ra nhanh. Bản chất dài hạn của kinh tế Việt Nam sẽ xấu, cho nên câu chuyện sẽ phải hết sức tỉnh táo và "nhanh chân". Chứng khoán sẽ là hợp trend trong thời gian tới. Khi vào sóng, hầu như con nào cũng sẽ tăng, đặc biệt là những con đã giảm quá sâu. Mã nào tích lũy lâu, nén mạnh, thì sẽ bật cao hơn.

Tóm lại, đây là cơ hội tuyệt vời để tận dụng. Chiến tranh là tang thương, là đau khổ cho nhân loại, cho một vài quốc gia. Nhưng nó cũng thúc đẩy phát triển. Biết đâu đấy, Trung Quốc sẽ có cuộc thay đổi vĩ đại sau cuộc chiến này. Còn đất nước của chúng ta, Việt Nam nếu biết chọn lựa đúng, sẽ nhân cơ hội này để bứt phá thành công.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *