Góc nhìn 09/05/2019 07:38

Khi doanh nghiệp bị thu hồi, cưỡng đoạt mặt bằng kinh doanh

Mấy tuần nay nhận liền mấy văn bản của doanh nghiệp cùng chung một nội dung: họ bị thu hồi mặt bằng kinh doanh hiện đang sử dụng để buộc giao cho dự án khác.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Một doanh nghiệp (DN) ở Thái Nguyên kêu về việc vừa đầu tư và hoàn thành một dự án nhà máy nước với số vốn đầu tư là 13,2 tỷ đồng, cung cấp nước cho các cơ quan, doanh nghiệp và 3.500 hộ dân. Họ đã hoàn tất toàn bộ thủ tục đầu tư trong đó có thủ tục thuê đất đến 2030 vào cuối năm 2017 thì ngày 4/5/2019 vừa rồi nhận được thông báo thu hồi của chính quyền để thực hiện một dự án nhà ở khác.

Một doanh nghiệp khác ở Gia Lai kêu cứu vì bị cưỡng chế thu hồi 6,400 m2 đất tại trung tâm Pleiku. Lúc đầu tỉnh định thu hồi để giao cho Tập đoàn tư nhân lớn nhưng vì DN khiếu nại Bộ Tài nguyên & Môi Trường và quy trình chưa đúng nên tỉnh buộc phải rút lại văn bản. Nhưng nhanh chóng sau đó lại tiếp tục ra văn bản thu hồi để buộc bàn giao mặt bằng cho Trung tâm phát triển quỹ đất của thành phố.

Cách đây ít lâu dự hội thảo tại một tỉnh, giờ giải lao có chủ DN lên gặp “dấm dúi” gửi một bộ hồ sơ kêu cứu. Vì dự án doanh nghiệp mất bao nỗ lực và tiền của có được, nhưng khi vị Chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ đó rời, lãnh đạo khác lên thì dự án bị gây khó, tắc, đổ bể, nguy cơ mất hàng chục tỷ.... Đằng sau sự khó khăn này thấy được bảo là một dự án khác to hơn, lớn hơn.

Chắc còn nhiều nhiều ví dụ nữa về sự rủi ro và bất nhất này. DN vi phạm quy định sử dụng đất đai hay đầu tư, gây ô nhiễm môi trường đã đành nhưng nhiều doanh nghiệp đang làm ăn rất tốt, nghiêm túc, đang mở rộng quy mô kinh doanh. Chỉ có điều là họ nhỏ và giá trị miếng đất họ đang sử dụng lại quá to!

Vụ ở Gia Lai trên, doanh nghiệp cần mẫn gửi văn bản khiếu nại kêu oan đi đủ các cấp trong 5 năm qua, số văn bản qua lại các cấp nhiều không đếm xuể, liệt kê mấy trang liền. Trong bộ hồ sơ mà DN gửi kèm, kết quả giải quyết chẳng thấy đâu nhưng mình thấy rõ được mức độ chuyên nghiệp trong... việc viết đơn của doanh nghiệp được cải thiện rất rất nhiều theo thời gian.

Khi sức của doanh nghiệp to dễ dàng át được doanh nghiệp nhỏ, quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp không được bảo đảm. Khi bộ máy hành chính "hăng hái" làm thay vai trò của thị trường thì môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch vẫn còn xa. Ở những nơi đó, có thể giá trị đầu tư trên một thửa đất cụ thể sẽ tăng lên vài chục lần, nhưng mức độ rủi ro của cả môi trường đầu tư sẽ tăng lên cả hàng trăm lần, không biết chính quyền đã đo đếm được hết!

Phát triển kinh tế tư nhân có lẽ quan trọng nhất nằm ở các hành xử cụ thể của bộ máy chính quyền chứ không phải là chương trình mời gọi hay chính sách ưu đãi công bố ở các hội thảo đông người.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *