Góc nhìn 13/05/2019 09:56

Dự án cao tốc Bắc – Nam: Đề nghị phải sửa quy định về tiêu chí trúng thầu

Phát biểu tại phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án đường cao tốc Bắc - Nam (ĐCTBN) mới đây, ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - cho rằng cái khó của 8 dự án BOT hiện nay là nhà đầu tư (NĐT) tư nhân trong nước không đủ năng lực tham gia theo quy định, còn các NĐT của Nhật, Mỹ, Anh, Pháp không mặn mà, chỉ có nhiều NĐT Trung Quốc quan tâm.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

(Trích từ bài trả lời phỏng vấn Báo Người lao động 13.05.2019)

Tôi bị sốc bởi đánh giá này của ông thứ trưởng. Không lẽ sau 44 năm thống nhất đất nước, hơn 30 năm cải cách, năng lực của doanh nghiệp (DN) Việt Nam lại không làm nổi ĐCTBN?

Nếu chia 654 km cho 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công, 8 dự án đầu tư theo hình thức BOT, trung bình mỗi dự án thành phần dài chưa đến 60 km, chỉ rộng từ 4 - 6 làn xe, tôi không tin DN tư nhân trong nước không làm được!

Trong chiến tranh ác liệt, đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại đã hình thành, dù thời đó ta rất thiếu thốn. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, dù còn khó khăn, chúng ta cũng đã tự tay làm lại con đường đó thành "đường Trường Sơn công nghiệp hóa" với chất lượng tốt hơn đường cũ. Hiện điều kiện mọi mặt đã tốt hơn rất nhiều thì sao phải nhắm đến NĐT nước ngoài.

Khu vực DN tư nhân trong nước đã chứng minh họ làm được nhiều dự án rồi. Từ đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, sân bay Vân Đồn do Sun Group đầu tư; hay Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả thi công dự án hầm Đèo Cả… rồi biết bao tuyến đường khác do DN trong nước làm chủ đầu tư hoặc là nhà thầu chính, thầu phụ thi công.

Vậy phải hiểu ý câu nói "các NĐT tư nhân trong nước không đủ năng lực tham gia theo quy định" thế nào? Cái bẫy ở đây là cụm từ "theo quy định", tức là Bộ GTVT hay cấp nào đó đưa ra những "quy định" để nhằm gạt bỏ NĐT trong nước, DN tư nhân ra hay sao, mà chưa gì đã tuyên bố các NĐT tư nhân trong nước không đủ năng lực tham gia theo quy định chứ không đánh giá theo khả năng thực tế.

Thực tế, DN Việt Nam đã mạnh hơn, có khả năng tốt hơn rất nhiều so với suy nghĩ đó của vị lãnh đạo Bộ GTVT.

Tôi băn khoăn về cụm từ "theo quy định" như họ nói. Ai đưa ra quy định này, có hỏi ý kiến không? Quy định là do con người đặt ra thì hoàn toàn có thể sửa. Nhà nước ra quy định không đúng thì nhà nước phải sửa chứ không thể dựa vào đó để không chừa cửa nào cho DN tư nhân trong nước tham gia. Quy định kiểu gì mà khiến các NĐT nước khác không quan tâm, ngoài DN Trung Quốc? Vậy chỉ có thể hiểu quy định đó quá rối rắm, phức tạp hoặc là quá mù mờ.

Tôi đề nghị phải sửa quy định này, ít nhất phải cho phép nhà thầu trong nước liên danh để đủ điều kiện tham gia.

Trong hồ sơ mời sơ tuyển, Bộ GTVT xây dựng với mức điểm năng lực về tài chính của NĐT chiếm tỉ trọng 60% tổng số điểm. Tôi nghi ngờ “Phải chăng việc đưa ra tiêu chí này gần như chặn đường trúng thầu của NĐT trong nước?”.

Đúng là đa phần DN trong nước chưa đủ lớn để làm những dự án thật lớn nhưng tôi khẳng định họ hợp lực thì đủ sức tham gia. Đừng đưa ra những quy định để đẩy người ta ra ngoài.

Với dự án ĐCTBN, trong lựa chọn nhà thầu, chúng ta có quyền ưu tiên chọn NĐT trong nước để lấy nguồn tiền trong nước nuôi DN trong nước và tạo cơ hội việc làm, cơ hội cho DN trong nước lớn dần lên. Không cho họ làm những công trình to bằng những điều kiện ngặt nghèo thì bao giờ DN trong nước mới lớn được.

Đáng ra 8 dự án thành phần của ĐCTBN hoàn toàn có thể để DN trong nước làm được. Tôi đề nghị phải sửa quy định về tiêu chí trúng thầu. Phải sửa quy định về năng lực tài chính của NĐT. Theo đó, nếu quy định năng lực về tài chính của NĐT chiếm tỉ trọng 60% tổng số điểm thì phải cho các DN hợp vốn, hợp danh chứ không thể tách riêng từng DN.

Tôi lo lắng khi thấy NĐT Trung Quốc quan tâm dự án này. Sự lo lắng là điều hiển nhiên. Tôi nói thật, gặp bà bán rau ở chợ nói DN Trung Quốc làm bầy hầy, vậy sao cứ để cho họ làm tiếp. Tôi ngạc nhiên vì người dân bình thường còn thấy vậy mà những người phụ trách những dự án này gần như lờ đi.

Tôi sợ rằng nếu nhà thầu Trung Quốc trúng thầu 8 dự án thành phần của ĐCTBN thì sẽ có 8 dự án kéo dài như dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Rồi tôi sợ bây giờ họ bỏ để trúng thầu có thể là 1 nhưng rồi đến khi làm lại đắt gấp 2, gấp 3.

Chuyên mục: Góc nhìn
Phạm Chi Lan
Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế

Phạm Chi Lan sinh ngày 14 tháng 1 năm 1945 là một chuyên gia kinh tế nổi bật của Việt Nam. Bà từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *