Góc nhìn 30/05/2019 20:26

Đất hiếm có thực là "hiếm" không?

Đất hiếm là nhóm 17 nguyên tố hóa học dùng để sản xuất các linh kiện quan trọng của nhiều sản phẩm như điện thoại thông minh, tivi, máy ảnh, bóng đèn, xe điện và vũ khí.

Nguyễn Hồng Điệp

Chuyên gia tài chính - chứng khoán

Truyền thông Trung Quốc và một số nước mấy hôm nay đưa tin nhiều về ĐẤT HIẾM. Họ coi đó là vũ khí chiến lược trong trận chiến với Mỹ. Thậm chí lãnh đạo Trung Quốc mới đi thị sát một công ty chuyên tinh chế quặng ở Hàng Châu. Động thái trên được cho là nhằm gửi thông điệp cảnh báo tới Mỹ về sự thống trị của Bắc Kinh trên thị trường đất hiếm toàn cầu.

Đất hiếm là nhóm 17 nguyên tố hóa học dùng để sản xuất các linh kiện quan trọng của nhiều sản phẩm như điện thoại thông minh, tivi, máy ảnh, bóng đèn, xe điện và vũ khí. Trung Quốc sản xuất hơn 95% lượng đất hiếm của thế giới và 80% lượng đất hiếm Mỹ nhập khẩu đều đến từ Trung Quốc. Nhưng hãy chú ý, Trung Quốc sản xuất rất lớn không có nghĩa là chỉ có Trung Quốc mới làm được. 

Thực ra, đất hiếm không hề hiếm. Braxin, Nga đều đang sở hữu mỏ đất hiếm với trữ lượng khổng lồ, không hề kém Trung Quốc. Đặc biệt mới đây, Nhật Bản mới phát hiện mỏ đất hiếm với trữ lượng gần như vô tận. Mỹ cũng sở hữu đất hiếm. Ngay cả Việt nam, cũng có đất hiếm.

Vậy tại sao đất hiếm không hiếm, mà Trung Quốc lại thống trị việc tinh chế? Câu trả lời rất đơn giản: thứ không hiếm, rẻ tiền, không phải là thứ quá quan trọng với nền công nghiệp hiện đại. Trung Quốc đang làm chủ chuỗi cung ứng đất hếm. Nhưng điều này hoàn toàn có thể thay đổi. Bản thân Mỹ, nếu muốn, có thể tự cung tự cấp đất hiếm. Không kể việc một loạt các nước khác sẽ trỗi dậy, phát triển ngành công nghiệp này.

Về mặt dài hạn, Mỹ luôn muốn cô lập Trung Quốc, muốn kinh tế Trung Quốc giảm tốc, thậm chí suy thoái càng tốt. Để làm điều này, đầu tiên là cần thời gian. Điều thứ hai là cần cắt đứt các quan hệ thương mại của Mỹ (và đồng minh) với Trung Quốc.

Cho nên, một khi Trung Quốc "làm mình làm mẩy" vụ đất hiếm, chính là rơi vào cái bẫy của Mỹ. Cắt đứt xuất khẩu đất hiếm, Trung Quốc sẽ mất hết các đối tác. Các nhà máy, công xưởng chuyển khỏi Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, nếu tiếp tục "tự bắn vào chân" với hành động hạn chế xuất khảu đất hiếm, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh hơn quá trình "rơi vào tăm tối" của đất nước tỷ dân này.

Kết luận lại, đất hiếm không hiếm. Vũ khí này cũng không có nhiều giá trị trong cuộc chiến trường kỳ này. Nhiều người dự báo được kết cục của cuộc chiến. Nhưng điều quan trọng hơn, là biết tận dụng cơ hội lịch sử này để định vị đất nước chúng ta, làm giàu cho bản thân, cũng như phụng sự tổ chức.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *