Góc nhìn 17/08/2019 18:21

Bộ Giao thông vận tải còn muốn giấu giếm nhân dân đến bao giờ

Năm 2017, Quốc hội công bố báo cáo giám sát các dự án BOT giao thông, thực trạng chung được đánh giá là thiếu minh bạch. Để giải quyết vấn đề này, năm 2018, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông phải loại bỏ các điều khoản bí mật trong mẫu hợp đồng BOT.

Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế VCCI

Thế nhưng, hôm nay, báo cáo Quốc hội, Bộ Giao thông có đoạn nói: “Việc loại bỏ các điều khoản bí mật trong hợp đồng có thể sẽ gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài.”

Tôi đã từng nói chuyện với nhiều nhà đầu tư, nếu có thể giữ bí mật thì chẳng nhà đầu tư nào muốn công khai các hợp đồng. Nhưng tôi có đặt giả sử là pháp luật Việt Nam yêu cầu công khai hợp đồng thì họ nghĩ sao? Câu trả lời tôi nhận được là: Nếu đó là tiêu chuẩn chung thì chấp nhận thôi.

Nhưng họ cũng có 2 yêu cầu. Một là nếu đã công khai thì tất cả đều phải công khai như nhau, không phải là dự án này công khai, dự án khác lại không. Hai là không công khai trước khi ký hợp đồng, vì khi đó chưa có gì chắc chắn, họ sợ sẽ bị đối thủ cạnh tranh phá bĩnh hoặc khiến giá cổ phiếu của họ trồi sụt lớn.

Tôi cũng từng nói chuyện với một luật sư có 20 năm kinh nghiệm tư vấn các hợp đồng PPP trên thế giới. Ông ta nói cách đây 20 năm thì việc công bố hợp đồng là điều rất hiếm, nhưng sau các vụ lùm xùm tham nhũng hợp đồng PPP ở nhiều nơi thì nay các nước phát triển đều đã yêu cầu phải công bố toàn bộ hợp đồng PPP, các nhà đầu tư chấp nhận điều này như một thông lệ. Nhưng ông luật sư cũng nói thêm là, nhưng nếu đến một nước đang phát triển chưa có tiêu chuẩn trên, thì các nhà đầu tư cũng vẫn đòi bí mật hợp đồng.

Quay lại Việt Nam, các hợp đồng BOT giao thông trước nay đều có điều khoản bảo mật, trong đó các bên không được tiết lộ thông tin cho bên thứ ba. Tuy nhiên, các hợp đồng mà BOT giao thông ở Việt Nam đều có thêm một điều khoản ngoại lệ, tôi xin trích nguyên văn: “Mặc dù được quy định ở trên nhưng các bên có thể tiết lộ cung cấp thông tin bảo mật đó theo yêu cầu của Bộ GTVT hoặc vì mục đích của Hợp đồng này.” Các nhà đầu tư đã chấp nhận ký điều khoản này, tức là họ đã đồng ý việc Bộ GTVT có thể tiết lộ thông tin.

Vậy nên, việc có công bố hay không, hiện nay nằm hoàn toàn trong tay Bộ GTVT. Có điều, Bộ GTVT vẫn muốn giấu giếm nhân dân, và khi bị Chính phủ truy thì Bộ đổ cho nhà đầu tư, chứ không dám nhận là lỗi tại mình.

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế, VCCI

Nguyễn Minh Đức sinh ngày 22 tháng 7 năm 1987, tốt nghiệp đại học là cử nhân Luật và hiện đang là thành viên Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *