Góc nhìn 14/08/2019 09:01

4.600 tỷ tiền ngân sách và sợi dây kinh nghiệm

Vụ việc Nghị định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khá điển hình cho việc luật chỉ là cái “đinh gỉ”, nghị định, thông tư mới quan trọng.

Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI

Số là, năm 2010, Quốc hội ban hành Luật Khoáng sản, nói chung chung mỗi một câu là phải thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nhưng giao Chính phủ quy định chi tiết về mức thu. Luật cũng ra thời hạn phải thu từ 1/7/2011. Nhưng mãi đến cuối năm 2013, Chính phủ mới ban hành được Nghị định hướng dẫn cách tính tiền.

Cái thú vị là, lúc mới ban hành Nghị định, người ta định truy thu cho giai đoạn 2011-2013. Đương nhiên điều này bị các doanh nghiệp phản ứng dữ dội. Làm gì có chuyện người ta quyết toán tài chính rồi, nộp thuế rồi, chia tiền thưởng tết cho người lao động rồi, chia cổ tức rồi, thậm chí có nhiều mỏ đóng cửa rồi, công ty giải thể rồi, giờ lại móc lên bắt đóng tiền.

Chính phủ sau đó đã phải họp lên họp xuống, quyết định là tạm không thu cho giai đoạn 2011-2013. Nghe nói tính toán sơ bộ số tiền này trên cả nước vào khoảng 2.835 tỷ, tức là cứ mỗi ngày chậm ban hành Nghị định, ngân sách thiệt hại 3,1 tỷ đồng.

Chuyện tương tự cũng diễn ra với Luật Tài nguyên nước 2012 và Nghị định hướng dẫn cách tính tiền cấp quyền tài nguyên nước 2017. Giai đoạn 01/01/2013 đến 31/8/2017, ngân sách mất 1757 tỷ đồng, tương ứng là mỗi ngày mất gần 0,86 tỷ đồng.

Chuyện không truy thu đã được gần 6 năm, số liệu cứ treo ở đó, vừa rồi Chính phủ mới trình Quốc hội một Nghị quyết cho phép miễn số tiền trên để có thể loại ra khỏi sổ sách, vì đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Chuyện phải miễn là chuyện đương nhiên, vì giờ mà truy thu thì loạn. Nhưng nếu miễn thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho gần 4600 tỷ tiền ngân sách? Đào sâu vào quy trình xây dựng pháp luật sẽ thấy rất khó có thể truy trách nhiệm.

Hai Nghị định trên do Bộ Tài nguyên & Môi trường chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp thẩm định, Văn phòng Chính phủ thẩm tra và trình Chính phủ ban hành. Giờ lại phải lục lại xem ai là người đã làm chậm, đóng góp bao nhiêu ngày chậm. Chắc chắn sẽ có đổ lỗi qua lại, rằng anh làm đúng hạn đấy, nhưng chất lượng kém, tôi phải ngồi sửa đi sửa lại nên chậm, là tại anh chứ không phải tại tôi.

Thôi chắc lại rút kinh nghiệm!

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế, VCCI

Nguyễn Minh Đức sinh ngày 22 tháng 7 năm 1987, tốt nghiệp đại học là cử nhân Luật và hiện đang là thành viên Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *