Góc nhìn 12/08/2019 09:39

Việt Nam sẽ ra sao nếu xảy ra chiến tranh tiền tệ?

Chiến tranh tiền tệ hoàn toàn có thể xảy ra mặc dù các bước đi hiện tại mới ở mức thăm dò.

Ông Quách Mạnh Hào, Chuyên gia tài chính (Đại học Lincoln - Anh)

Tôi nghĩ rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra mặc dù các bước đi hiện tại mới ở mức thăm dò. Thương mại quốc tế không thể tách rời yếu tố tiền tệ và do vậy nếu chiến lược áp thuế liên tục không mang đến hiệu quả mong muốn là buộc đối tác trở lại bàn đám phán thì tất yếu sẽ dẫn tới sử dụng công cụ tiền tệ.

Trung quốc phá giá đồng nhân dân tệ nhìn bên ngoài giống như là bước đi phòng vệ nhưng chắc chắn họ đã tính toán cho việc khơi mào cho một cuộc chiến tiền tệ. Mỹ cảnh báo Trung Quốc thao túng tiền tệ như là một bước đi mở đường cho các lựa chọn ngoài công cụ thuế.

Cuộc chiến tiền tệ sẽ thực sự xảy ra khi Mỹ cũng sử dụng các biện pháp trực tiếp làm suy yếu đồng USD như là một phản ứng.

Cuộc chiến tiền tệ theo tôi lại là điều mà Mỹ không mong muốn lúc này. Đó là bởi vì xét trên bối cảnh ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu thì đồng USD được sử dụng rộng rãi hơn. Việc phá giá đồng USD khi đó không còn là câu chuyện giữa Mỹ và Trung Quốc, mà là giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới.

Các phản ứng hệ lụy của các quốc gia neo tỷ giá vào đồng USD hoặc là đối tác thương mại lớn của Mỹ sẽ dẫn tới việc Mỹ khó khăn hơn trong việc ứng phó. Trung Quốc tất nhiên thích điều này. Họ muốn Mỹ rơi vào tình trạng tứ bề ứng phó thay vì chỉ thi đấu tay đôi với họ.

Do vậy, không ngạc nhiên nếu họ chủ động khiêu khích một cuộc chiến tiền tệ.

Và cuộc chiến sẽ thực sự bắt đầu khi Mỹ hành động. Khi đó, trật tự kinh tế mới có thể sẽ hình thành bởi các quốc gia neo giá vào đồng USD hay là đối tác thương mại sẽ buộc phải hành động trước sự phá giá của đồng USD.

Tôi nhấn mạnh đồng USD hơn đồng nhân dân tệ dựa trên mức độ ảnh hưởng của hai đồng tiền này. Nghĩa là, vai trò dẫn dẵn của đồng USD và nước Mỹ trong nền kinh tế thế giới và trên các thị trường tài chính toàn cầu có thể sẽ được định hình lại theo hướng không như nước Mỹ mong đợi, và có thể theo hướng mà Trung Quốc muốn.

Bản thân các quốc gia phụ thuộc thương mại và Mỹ hay Trung Quốc cũng nhận thấy cơ hội để thoát khỏi sự ràng buộc và sẽ tạo ra những xáo trộn.

Với cách tiếp cận đó, tôi nghĩ rằng tỷ giá đồng VND và USD có thể sẽ có những biến động theo chiều hướng tăng trong ngắn hạn. Nhưng dài hạn, trật tự kinh tế mới cũng có nghĩa Việt Nam sẽ có những lựa chọn thương mại với nhiều đối tác hơn và đồng Việt nam sẽ không chủ yếu bị chi phối bởi USD hay nhân dân tệ.

Tôi cũng nhận thấy là Việt Nam đang rất tích cực trong việc phát triển các đối tác thương mại mới, các thị trường mới. Đó chính là một phản ứng phù hợp với một cuộc chiến tiền tệ có thể xảy ra.

Tuy nhiên, hệ luỵ là chiến tranh tiền tệ sẽ còn tác động tiêu cực, nặng nề hơn chiến tranh thương mại. Vì cuộc chiến thương mại về cơ bản vẫn là giữa Mỹ và Trung Quốc, còn cuộc chiến tiền tệ giống như một cuộc thế chiến. Các nền kinh tế trên thế giới sẽ ngay lập tức chịu tác động bởi sự phá giá đồng USD, nhiều hơn rất nhiều so với đồng nhân dân tệ do mức độ ảnh hưởng của hai đồng tiền này.

Quả thực, tôi không thể hình dung điều gì sẽ xảy ra nhưng nghĩ rằng sẽ có một trật tự kinh tế thế giới mới.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *