Doanh nghiệp 09/01/2014 08:34

Thu nhập bình quân lao động Vinatex hơn 5,2 triệu đồng/tháng

FICA - So với mức thu nhập bình quân tại các doanh nghiệp Nhà nước khác, thu nhập của người lao động Vinatex thấp hơn nhiều.

Ông Lê Tiến Trường


Ngày 8/1/2014, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt May Việt  Nam (Vinatex) cho biết, trong năm 2013, mặc dù trong bối cảnh tiêu thụ hàng dệt may trên toàn cầu không tăng, kích cỡ thị trường không thuận lợi cho sản xuất hàng dệt may, nhưng toàn ngành dệt May Việt Nam vẫn có kim ngạch xuất khẩu đạt 20,4 tỷ USD, tăng trên 18% so với năm ngoái. Ông Trường cho biết, đây là lần đầu tiên dệt may Việt Nam vượt ngưỡng 20 tỷ USD xuất khẩu.

Trong đó, riêng Vinatex đạt doanh thu 45.593 tỷ đồng, tăng 12% so với 2012. Kim ngạch xuất khẩu 2,9 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu 1,2 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ. Doanh thu nội địa đạt 22,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2012.

Thu nhập bình quân người lao động đạt 5.206.000đ/ người/tháng, tăng 10% so năm 2012. So với mức thu nhập bình quân tại các doanh nghiệp Nhà nước khác, thu nhập của người lao động Vinatex thấp hơn nhiều. Cụ thể, thu nhập bình quân của Vinataba là 7,7 triệu đồng/người/tháng, Vinacomin là 7,8 triệu đồng/tháng, Viettel là 23,7 triệu đồng/tháng...

Trong năm 2013, Vinatex đã tăng lỷ lệ nội địa hóa lên tới 60% là do Tập đoàn đã có chiến lược chuẩn bị đầu tư nguyên phụ liệu và sớm thúc đẩy xây dựng chuỗi liên kết cung ứng sợi-dệt-nhuộm-may giữa các doanh nghiệp thành viên.

Năm 2014, Vinatex đặt mục tiêu tăng trưởng 12%. Bên cạnh đó, đón đầu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, Tập đoàn triển khai chủ trương sản xuất theo phương thức ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng) ở tất cả các đơn vị thành viên. Mục tiêu của Vinatex đưa tỷ lệ sản xuất ODM từ 10% năm 2013 lên 12-14% năm 2014.


Thục Anh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *