Doanh nghiệp 08/01/2014 20:51

Không cổ phần hóa, Viglacera khó tìm nhà đầu tư chiến lược

FICA - Chủ tịch Viglacera Luyện Công Minh chia sẻ, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ quan tâm tới việc sản xuất một sản phẩm nào đó như kính, sứ hay gạch granite...do tính chất chuyên sâu cao. Trong khi đó, Tổng công ty lại sản xuất nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng khác nhau.


Chia sẻ trong buổi công bố thông tin chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) chiều nay của Tổng công ty Viglacera, ông Luyện Công Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên cho biết, Tổng Công ty dự kiến lựa chọn 3 đối tác chiến lược. Trong đó, một đối tác có thể hỗ trợ vấn đề công nghệ liên quan đến vật liệu xây dựng, một đối tác hỗ trợ tài chính và một đối tác mở rộng thị trường.

Ông Minh cho biết, trước đây, Tổng công ty cũng có đàm phán và làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ quan tâm tới việc sản xuất một sản phẩm nào đó như kính, sứ hay gạch granite...do tính chất chuyên sâu cao.

Trong khi đó, Tổng công ty mẹ Viglacera sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau. Vì vậy, sau khi tiến hành chuyển sang mô hình công ty cổ phần, Viglacera sẽ tiếp tục tái cơ cấu để tìm kiếm đối tác chiến lược có thể hỗ trợ làm ăn lâu dài thông qua việc nhóm lại các công ty chuyên sản xuất một sản phẩm nào đó và lập công ty liên kết với đối tác, ông Minh cho biết.

Viglacera có vốn điều lệ 3.070 tỷ đồng, số lượng cổ phiếu phát hành lần đầu là 307 triệu cổ phiếu. Trong đợt IPO vào ngày 20/2/2014, Viglacera chào bán ra công chúng 77 triệu cổ phần, tương đương 25,07% vốn điều lệ. Mức giá khởi điểm là 10.300 đồng/cổ phần.

Liên quan tới việc thời điểm đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch chính thức, ông Minh cho biết dự kiến cổ phiếu Viglacera sẽ chào sàn sau 1 năm sau khi IPO, và cụ thể là đầu năm 2015. Theo quy định mới, đây cũng là thời gian các doanh nghiệp phải đưa cổ phiếu nên niêm yết trên sàn giao dịch chính thức, nếu quá thời hạn này nhà đầu tư có quyền yêu cầu hoàn lại tiền.

Trả lời câu hỏi của một quỹ đầu tư liên quan đến lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty (nếu IPO thành công, cổ đông Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối với 74% vốn), một đại diện khác của Viglacera cho biết, theo quyết định về Sắp xếp phân loại doanh nghiệp Nhà nước, Viglacera không nằm trong danh sách các doanh nghiệp Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Dẫn thêm thông tin từ quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Viglacera, vị này cho biết Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ dưới 51% cổ phần tại doanh nghiệp này. Tuy nhiên, việc thoái vốn sẽ được thực hiện khi có điều kiện thuận lợi vì quan điểm của Nhà nước là thoái vốn nhưng không để mất vốn.

Đại diện Viglacera nhận định, sau năm 2015, Nhà nước sẽ thực hiện lộ trình thoái dần vốn tại Viglacera xuống dưới 51%.

Viglacera có 2 lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất vật liệu xây dựng (bao gồm kính, sứ, sen vòi, gạch ốp lát và gạch ngói đất sét nung với 28 công ty trong đó 3 công ty cung cấp nguyên liệu đầu vào, 22 công ty sản xuất và 3 công ty phân phối) và bất động sản (bao gồm hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại và văn phòng với 2 công ty tư vấn - 6 công ty thi công và 3 công ty kinh doanh, quản lý).

Về tỷ trọng doanh thu Viglacera giai đoạn 2010 - 2012, cơ cấu bao gồm 60% từ vật liệu xây dựng và 40% từ bất động sản.

Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ Viglacera giảm mạnh trong năm 2010, 2011 và 2012 do ảnh hưởng từ sự khó khăn chung của nền kinh tế cũng như từ riêng lĩnh vực bất động sản (lần lượt đạt gần 340 tỷ đồng, 253 tỷ đồng và 165 tỷ đồng). Lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2013 của công ty mẹ Viglacera là gần 91 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2014 - 2018, Viglacera đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng trưởng trung bình trên 20% và cổ tức từ 5% tới 11%.

 

Lam Thanh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *