Đầu tư 09/08/2014 15:27

Việt Nam chỉ có...28 tàu container!

FICA - Hiện chỉ có 28 tàu container trong tổng số 1.700 tàu vận tải thuộc đội tàu mang quốc tịch Việt Nam. Tốc độ phát triển trong 4 năm gần đây chỉ đạt trung bình khoảng 1,1%.

Theo báo cáo về tình hình vận tải biển, cảng biển được ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam trình bày tại Hội nghị "đối thoại doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển năm 2014" tổ chức sáng 5/8, tính đến nay, Việt Nam đã xây dựng được 44 cảng biển các loại, trong đó có 14 cảng biển loại I, 23 cảng biển loại II và 13 cảng biển loại III. 

Hệ thống cảng biển có khoảng 219 bến cảng với gần 43,6 km cầu cảng và hàng chục khu chuyển tải. Trong 6 tháng đầu năm 2014, lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 176,1 triệu tấn, đạt 49,81% so với kế hoạch năm 2014 và tăng 13,86% so với cùng kỳ năm 2013, hàng container đạt 4,77 triệu TEUs, tăng 19,46% so với cùng kỳ năm 2013. 

Về tình hình vận tải biển Việt Nam, tính đến ngày 30/6 đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam có khoảng 1.700 tàu với tổng trọng tải 6,9 triệu DWT và tổng dung tích là 4,3 triệu GT. Trong tổng số 1.700 tàu có 28 tàu container, 172 tàu chuyên dụng chở hàng rời, hơn 940 tàu tổng hợp, 150 tàu chở dầu hoá chất, 9 tàu chở khí hóa lỏng, 37 tàu khách. 

Trong 4 năm gần đây tốc độ phát triển tàu container trên thế giới đạt trung bình 6,8%/năm, tốc độ phát triển tàu container của Việt Nam chỉ đạt trung bình khoảng 1,1%. 

Ngoài ra, do ảnh hưởng chung của thế giới, ngành vận tải biển Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi tích cực, giá cước vận tải nhìn chung thấp, nguồn hàng khan hiếm, chi phí hoạt tăng cao là khó khăn chung của các doanh nghiệp vận tải biển. 

Tuy nhiên, hiện tại đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam gần như đã đảm nhận được 100% sản lượng vận tải nội địa trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời... Khoảng 400 tàu đã tham gia vận tải quốc tế, đa phần trong số đó hoạt động trên các tuyến khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc. Một số doanh nghiệp lớn cũng đã có tàu hàng tổng hợp đủ năng lực hoạt động khai thác trên các tuyến đến châu Mỹ, châu Âu nhưng số lượng còn hạn chế.
 
Ông Nhật cũng cho biết, Việt Nam có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Đây là một con số khá lớn nhưng trên thực tế đa phần lại là những doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ. Các công ty logistics Việt Nam mới chỉ hoạt động trong phạm vi nội địa hoặc một vài nước trong khu vực. 

Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa ý thức được việc đầu tư vào quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết không có phòng quản lý logistics hoặc chuỗi cung ứng mà phòng này thường được hiểu là phòng kinh doanh xuất nhập khẩu. Điều này tạo ra rào cản đối với các doanh nghiệp logistics Việt Nam trong việc chào các dịch vụ logistics giá trị gia tăng. 

Bên cạnh đó, phần lớn cảng biển tại Việt Nam không được thiết kế cho việc bốc dỡ hàng cho tàu chuyên dùng, nhiều cảng nằm ngoài TPHCM chỉ được thiết kế cho hàng rời, không có trang thiết bị xếp dỡ container chuyên dụng. Hệ thống kho bãi hiện tại trên cả nước lại không phù hợp với hàng hóa bốc dỡ nhanh, trong đó có nhiều kho bãi đã được khai thác hơn 30 năm qua và không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. 

Hơn nữa, chi phí logistics của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển như Mỹ và cao hơn các nước đang phát triển như Trung Quốc hay Thái Lan. Chính chi phí logistics cao này làm giảm hiệu quả những cố gắng của Việt Nam trong việc giới thiệu thị trường lao động giá rẻ và đẩy mạnh xuất khẩu.

Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *