Đầu tư 08/08/2014 08:11

Vẫn chưa loại bỏ triệt để thủy điện nhỏ

FICA - Riêng tại Gia Lai, sau khi rà soát bỏ đi 17 dự án vẫn còn một số các thủy điện nhỏ, tính hiệu quả không cao nhưng tác động đến môi trường cũng như đời sống rất lớn.

Sáng ngày 6/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chủ trì cuộc Họp về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18/02/2014 liên quan đến tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. 

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.

Tại buổi họp này, người đứng đầu Bộ Công thương đã chỉ đạo: “Xây dựng, vận hành, khai thác công trình thủy điện phải đảm bảo lợi ích của nhân dân”.

Báo cáo dự thảo về tình hình triển khai thực hiện NQ 11 tại cuộc họp, ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết, vừa qua, Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, loại khỏi quy hoạch các dự án thủy điện có hiệu quả thấp, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường và xã hội. 

Bộ cũng đã tổng hợp, báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện quy đinh về quản lý chất lượng công trình trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, quản lý an toàn, giải quyết sự cố khi thi công công trình; tình hình công tác bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư tại các dự án thủy điện; việc thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, tác động của việc điều tiết hồ chứa trong mùa lũ và mùa kiệt đối với hạ du...

Là đơn vị hiện đang xây dựng và vận hành nhiều công trình thủy điện trên cả nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, các dự án thủy điện do EVN làm chủ đầu tư đều là các dự án có công suất lắp máy từ 60MW trở lên và hầu hết các dự án đều thực hiện đúng các quy định về chính sách pháp luật hiện hành, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn được phép áp dụng về đầu tư xây dựng. 

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và vận hành công trình thủy điện, EVN cũng gặp phải một số những khó khăn, vướng mắc như: các dự án thủy điện do EVN quản lý làm chủ đầu tư có quy mô lớn, thời gian chuẩn bị đầu tư và xây dựng lâu dài, phạm vi dự án rộng nên cùng 1 dự án bị chi phối bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Các phương án đề cập đến tình huống xả lũ khẩn cấp, tình huống vỡ đập chưa được thực hiện đồng bộ. Công tác dự báo khí tượng thủy văn còn hạn chế. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng cũng vấp phải khó khăn nhất định ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Phát biểu ý kiến đóng góp tại cuộc họp, ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị, Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong công tác vận hành hồ thủy điện, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho hạ du; đồng thời xây dựng, lắp đặt các hệ thống cảnh báo cho đập chứa nước. Các địa phương cần phối hợp với đơn vị quản lý điều hành nhịp nhàng quá trình xả lũ, tránh gây thiệt hại đến đời sống nhân dân.

Là tỉnh vừa xảy ra sự cố vỡ đê quai tại dự án thủy điện Ia Krel 2, ông Đào Duy Liên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho hay, thủy điện ở Gia Lai tương đối nhiều, sau khi rà soát đã bỏ đi 17 dự án, hiện tại vẫn còn 63 dự án thủy điện, trong đó có 9 thủy điện có công suất gần 2.000 MW được các cấp các ngành đánh giá cao trong quá trình triển khai cũng như quá trình bồi thường tái định cư. 

Tuy nhiên, vẫn còn một số các thủy điện nhỏ, tính hiệu quả không cao nhưng tác động đến môi trường cũng như đời sống lại rất lớn. Ví dụ như hiện nay đang xảy ra hiện tượng dòng sông Ba bị ô nhiễm, thiếu nước về mùa khô gây khó khăn cho đời sống nhân dân vùng hạ du. “Có thủy điện, đường sá to hơn, nhà cửa lớn hơn nhưng đời sống nhân dân lại khó khăn đi”- ông Liên chia sẻ.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, qua 6 tháng triển khai NQ 11 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã nhận diện được những điều còn hạn chế, thiếu sót và đề ra các phương án để tiếp tục triển khai chương trình từ nay đến cuối năm. 

Với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ban, ngành địa phương rà soát quy hoạch, kiểm tra tiến độ công trình, năng lực thi công của chủ đầu tư; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý các vi phạm, khi phát hiện ra sai phạm cần làm rõ trách nhiệm, nếu cần thiết có thể xử lý theo pháp luật hiện hành.

Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *