Đầu tư 05/06/2014 21:50

Samsung "rót" thêm 1 tỷ USD xây nhà máy ở TPHCM

FICA - Đây là nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại thứ 3 của Samsung tại Việt Nam sau 2 nhà máy đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Việt Nam đang thành "đại bản doanh" của Samsung

Lãnh đạo TPHCM vừa cho biết, UBND thành phố đã chấp thuận địa điểm tại khu công nghệ cao TPHCM cho Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất điện tử với vốn đầu tư trên 1 tỷ USD.

Samsung đặt chân tới Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2009 với việc khánh thành nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh, vốn đầu tư hiện đã tăng mạnh từ 670 triệu USD ban đầu lên 2,5 tỷ USD hiện tại.

Tiếp đó, vào đầu tháng 3 năm nay, Samsung đã chính thức đưa vào hoạt động nhà máy Samsung Thái Nguyên (SEVT) với tổng vốn đầu tư cũng lên tới 2 tỷ USD.

Sau gần 5 năm đi vào hoạt động, SEV đã có bước tăng trưởng rất nhanh chóng. Năm 2013, SEV đã xuất khẩu được 23,9 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, mang về giá trị gia tăng 7,6 tỷ USD.

SEV hiện giải quyết việc làm cho khoảng 43.000 lao động trực tiếp. Chưa kể hàng chục ngàn lao động trong 60 doanh nghiệp vệ tinh.

Việt Nam đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu nước ngoài trong các lĩnh vực điện tử và công nghệ thông tin.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây có thể coi là kết quả tích cực của một quá trình lựa chọn và đầu tư được định hướng đúng đắn của các nhà sản xuất điện tử điện thoại hàng đầu như Intel, Samsung, LG, Foxconn và Nokia trong 5 năm qua khi họ đã chọn Việt Nam trở thành địa điểm vững chắc cho việc di dời các nhà máy sản xuất tới. 

Trong đó, không lấy gì làm ngạc nhiên khi Samsung quyết định biến Việt Nam trở thành đại bản doanh sản xuất và xuất khẩu điện thoại, linh kiện điện tử, điện thoại lớn nhất thế giới bằng việc rót vốn đầu tư dự án xây dựng hàng loạt nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, LG, Canon và Foxconn cũng không kém cạnh khi mở rộng thêm các dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại và thiết bị điện tử tại Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng sự đổ bộ của các người khổng lồ này đã đẩy dần vị thế của Việt Nam trở nên ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng các linh kiện điện tử cũng như các sản phẩm linh kiện điện thoại trong khu vực và toàn cầu. 

Và với nhiều dự án đầu tư theo gót những người khổng lồ đang được đổ vào Việt Nam, các chuyên gia dự báo cơ hội kinh doanh tiếp tục hướng về phía các nhà sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam nếu họ nắm bắt được vận hội này.

Phương Dung

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *