Dòng chảy vốn 09/06/2015 07:26

Các tỉnh được lập khu công nghệ cao

FICA - Từ nay đến năm 2030, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ được đầu tư xây dựng một số khu công nghệ cao (CNC) bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác.

Bản Quy hoạch tổng thể phát triển KCNC đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được chờ đợi bấy lâu vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký duyệt ngày 8/6.

 

Khu công nghệ cao Tp.HCM là mô hình phát triển thành công nhất cả nước hiện nay

 

Theo đó, ngoài ba KCNC tại ba thành phố 3 trung ương là Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng, sắp tới các tỉnh, thành phố trung ương khác sẽ được xây dựng và phát triển các khu CNC. Các khu CNC này sẽ được xây dựng  bằng ngân sách địa phương hoặc nguồn vốn khác, dựa trên các ngành, lĩnh vực có thế mạnh địa phương, vùng miền.

 

Trong bản Quy hoạch, Thủ tướng nêu rõ từ nay đến năm 2030 các Khu CNC quốc gia gồm: Khu CNC Hòa Lạc (Hà Nội); Khu CNCTp.HCM và Khu CNC Đà Nẵng phải tăng cường đầu tư chiều sâu, tiếp tục hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài và phát triển xứng tầm.

 

Đồng thời, cho phép các tỉnh, thành phố trung ương khác nghiên cứu và lập đề án để từ nay đến năm 2030 xây dựng các khu CNC bằng nguồn vốn địa phương, vốn xã hội hóa…  Trước mắt, 3 khu CNC do tỉnh, thành phố trực tiếp đầu tư sẽ được thành lập là: Khu CNC sinh học Hà Nội; Khu CNC chuyên ngành sinh học Đồng Nai và Khu CNC Ascendas-Protrade (Bình Dương).

 

Trong các thành phố trực thuộc trung ương, ngoài 3 khu CNC cấp quốc gia trên thì hai thành phố còn lại đều chưa xây dựng khu CNC, đặc biệt là Tp.Hải Phòng - cảng biển quan trọng của miền Bắc, đầu ra phát triển kinh tế biển của vùng kinh tế Bắc Bộ và Cần Thơ - trung tâm lương thực, cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm và thủy sản lớn nhất cả nước.

 

Hiện, ba khu CNC cấp quốc gia là Hòa Lạc (Hà Nội), Đà Nẵng và Tp.HCM đều được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng về quản lý thì Khu CNC Hòa Lạc Hà Nội do Bộ Khoa học và Công nghệ điều hành, còn khu CNC Tp.HCM và Đà Nẵng do các địa phương quản lý, điều hành. Hiện theo đánh giá khu CND Tp.HCM đang nổi lên là mô hình thành công nhất và là khu CNC kiểu mẫu của cả nước về: cơ chế xây dựng hạ tầng đến kết quả thu hút các nhà đầu tư lớn

 

Khu CNC Tp.HCM được thành lập năm 2002 với tổng diện tích hơn 900 ha, sau hơn 12 năm phát triển, đến nay KCNC này đã cấp phép hơn 77 dự án CNC trọng điểm, trong đó có sự xuất hiện của các hãng CNC hàng đầu thế giới sản xuất linh kiện cao như dự án 1 tỷ USD sản xuât chipset của tập đoàn Intel (Mỹ), dự án đầu tư 1,4 tỷ USD của Samsung (Hàn Quốc) mới đây, ngoài ra còn có sự xuất hiện của nhiều tên tuổi công nghệ cao thế giới của Đức, Pháp, Nhật Bản, Israel…

 

Hiện, cơ chế ưu đãi dành DN hoạt động tại KCNC được Chính phủ rất quan tâm, trong đó có: miễn thuế thu nhập DN 4 năm đầu, giảm 50% trong 5 năm tiếp theo. Trong 15 năm đầu, các DN được hưởng mức thuế thu nhập DN 10%. Đối với các dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao hoặc dạng đặc biệt thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% có thể được xem xét kéo dài thêm nhưng không quá 30 năm và phải do Thủ tướng phê duyệt...

 

Theo quy hoạch của Chính phủ mục đích chính của việc hình thành và phát triển mạnh các khu CNC tại các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương là để các DN đổi mới sản phẩm, nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập. Các khu CNC được coi là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phục vụ phát triển mọi vùng, miền trong cả nước.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *