Chứng Khoán 08/06/2015 18:39

Dòng tiền đổ vào chứng khoán lên cao kỷ lục

FICA – Tổng KLGD khớp lệnh lần lượt tăng 61,5% trên HoSE và 63,4% trên HNX so với thanh khoản trung bình tuần trước và đạt mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua.

Mặc dù so với phiên sáng, biên độ tăng thời điểm đóng cửa phiên 8/6 đã thu hẹp mạnh song thanh khoản lại cho thấy sức bứt phá đáng kể.

Cụ thể, chốt phiên, VN-Index tăng 1,76 điểm tương ứng 0,3% lên 579,83 điểm, tức là vẫn đang ngấp nghé ở ngưỡng 580. HNX-Index tăng 1,14 điểm tương đương 1,31% lên 87,85 điểm.

Thanh khoản đạt 193,2 triệu cổ phiếu trên HoSE tương đương giá trị giao dịch 2.934,3 tỷ đồng và đạt 94,9 triệu cổ phiếu trên HNX tương đương 1.135,7 tỷ đồng. Tổng KLGD khớp lệnh lần lượt tăng 61,5% trên HoSE và 63,4% trên HNX so với thanh khoản trung bình tuần trước và đạt mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua.

Giao dịch sôi động ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí là trụ đỡ chính cho hai chỉ số trong phiên hôm nay. Nếu như nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục đà tăng giá sau khi thông tin về KQKD Q1/2015 được công bố, thì sự trổi dậy đồng loạt của nhóm cổ phiếu dầu khí trong phiên hôm nay điển hình như PVS (+3,7%), PVD(+1,9%), PVC(4,6%) hay PXS(4,1%) có thể được hỗ trợ bởi tâm lý tích cực sau buổi họp của OPEC vào thứ 6 tuần trước.

Giá dầu WTI và Brent đầu giờ chiều hôm nay tăng 1,91% và 2,02% lên 59,13 USD/ thùng và 63,31 USD/thùng. Quyết định giữ nguyên sản lượng dầu thô xuất khẩu của OPEC trong cuộc họp lần trước nhằm giữ vững thị phần và loại bỏ các nước sản xuất dầu thô giá thành cao đã mang lại hiệu quả ngoài dự đoán khi giá dầu thô đã phục hồi gần 35% từ mức thấp nhất vào cuối năm 2014 là 45USD/thùng. Do đó, sự đồng thuận và nhất trí cao sau cuộc họp lần này của các nước thành viên dự báo giúp ổn định giá dầu trong thời gian tới.

Tại NKTV của VDSC, nhóm phân tích lưu ý đến việc cuối tuần qua, Phòng thương mại Châu Âu (EuroCham) đã công bố chỉ số môi trường kinh doanh trong quý 1/2015 của các DN châu Âu tại Việt Nam. Mặc dù chỉ số này giảm nhẹ xuống 75 so với quý 4/2014 là 78 tuy nhiên vẫn ở mức cao trong hơn một năm qua (từ quý 1/2011). Điều này nói lên cảm nhận tích cực của các DN Châu Âu về môi trường kinh doanh Việt Nam và triển vọng mở rộng trong tương lai.

Trong khi các đánh giá về môi trường và triển vọng kinh doanh giảm điểm nhẹ so với lần khảo sát trước tuy vẫn duy trì ở mức khá cao, tỷ lệ Doanh nghiệp đánh giá kinh tế vĩ mô Việt Nam là “ổn định và cải thiện” đã tăng lên 63% từ 59% trong Q4/2014.

Như vậy, qua đánh giá tích cực của EuroCham về triển vọng kinh doanh của Việt Nam và mức tăng khả quan chỉ số sản xuất công nghiệp (PMI) tháng 5/2015 (lên 54,8 so với 53,5 điểm trong tháng 04/2015), có vẻ những nỗ lực của Chính Phủ trong việc cải cách kinh tế và duy trì vĩ mô ổn định đang phát huy hiệu quả và tạo niềm tin cho khối doanh nghiệp FDI.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *