Dòng chảy vốn 01/01/2014 15:03

10 sự kiện tiêu biểu ngành Công Thương năm 2013

FICA - Bộ Công Thương chính thức công bố 10 sự kiện tiêu biểu ngành Công Thương năm 2013.

1. Sản xuất công nghiệp tăng vượt năm 2012, 2011

Biểu đồ: Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2013 so với năm 2012

 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12 (theo gốc so sánh năm 2010) ước tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 0,7%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,8%, sản xuất và phân phối điện tăng 8,7%, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 10,1%.

Tính chung 12 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (theo năm gốc so sánh năm 2010) ước tăng 5,9% cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái (năm 2012 tăng 5,8% so với năm 2011).

2. Năm thứ 2 liên tiếp xuất siêu kể từ khi gia nhập WTO năm 2007

Tháng 12, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,6 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 7 tỷ USD, tăng 16,3%, các doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 4 tỷ USD, tăng 6,7% so với chùng kỳ năm 2012.

Tính chung 12 tháng năm 2013 kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 132,17 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012, tương đương với 17,64 tỷ USD, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (tăng 10%). Trong đó, các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng 33%, ước đạt 43,75 tỷ USD, tăng 3,5%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) chiếm tỷ trọng 61,4% ước đạt 88,4 tỷ USD, tăng 26,8% so với năm 2012.

Biểu đồ: Kim nghạch xuất khẩu từ năm 2011 đến năm 2013

 Với kết quả đạt được, đây là lần thứ hai liên tiếp kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007 Việt Nam xuất siêu, (năm 2007 Việt Nam nhập siêu với tỷ lệ 29,1%, năm 2008 tỷ lệ 28,8%, năm 2009 tỷ lệ 22,5%, năm 2010 tỷ lệ 17,5%, năm 2011 tỷ lệ 10,1% so với kim ngạch xuất khẩu, nhưng năm 2012 Việt Nam đã xuất siêu 749 triệu USD, năm 2013 ước xuất siêu 863 triệu USD).

3. Ban hành Nghị định Điều lệ tổ chức của tất cả 5 Tập đoàn

 

4. Khởi công xây dựng Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn 9 tỷ USD

Ngày 23/10/2013, tại Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự và phát lệnh khởi công xây dựng Dự án Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và Phó Thủ tướng Kuwait Mustafa Al- Shemali phát lệnh khởi công dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Đây là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, có tổng mức vốn đầu tư trên 9 tỷ USD; tổng công suất giai đoạn I là 10 triệu tấn dầu thô/năm và sẽ nâng công suất giai đoạn II lên 20 triệu tấn dần thô/năm (toàn bộ khối lượng dầu thô phục vụ dự án được cung cấp từ Cô-oét). Dự án hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn I và vận hành thương mại vào quý I/2017.

Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, Dự án không những góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn có sức lan tỏa và tạo bước đột phá mới cho thu hút đầu tư, phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận.

5. Góp phần kiềm chế lạm phát thấp nhất trong vòng 10

Năm 2013, thị trường trong nước giữ được tăng trưởng, cung - cầu các hàng hoá thiết yếu được đảm bảo. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước được triển khai cùng với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã từng bước tiếp tục tạo nên sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt Nam. Công tác kiểm soát thị trường trong nước đã được tăng cường góp phần ngăn chặn các hoạt động gian lận thương mại trên thị trường cũng như các yếu tố tiêu cực tiềm ẩn. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh ngày càng giảm.

 

Chương trình bình ổn giá thực sự trở thành công cụ điều tiết giá một cách hữu hiệu, khẳng định được vai trò định hướng giá các mặt hàng thiết yếu, góp phần kiểm soát, hạn chế được hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến và bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2013 tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 6,04% so với tháng 12 năm 2012, đây là năm có chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2013 tăng 6,6% so với bình quân năm 2012.

6. Khởi công dự án cáp ngầm xuyên biển lớn nhất Đông Nam Á

Ngày 16/10/2013, tại Trạm biến áp 110kV xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, UBND tỉnh Quảng Ninh, Tổng công ty điện lực miền Bắc đã tổ chức khánh thành dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô. Dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô chính thức được khởi công ngày 4/11/2012, với tổng mức đầu tư 1.107 tỷ đồng do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư. Đây là dự án đầu tiên trong cả nước được thi công với công nghệ chôn ngầm cáp 22kV dưới đáy biển và rải dây điện 110kV trên không bằng khinh khí cầu.

 

Các đại biểu Trung ương và địa phương cắt băng khánh thành dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô

Tiếp đó, ngày 17/11/2013, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã tổ chức lễ khởi công Dự án Cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc là một dự án có tính phức tạp và dài nhất Đông Nam Á với vốn đầu tư gần 2.336 tỉ đồng, lần đần tiên được triển khai tại Việt Nam.

7. Hội nghị Tham tán thương mại 2013

Ngày 18/12/2013, Bộ Công Thương chính thức khai mạc Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2013 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Hơn 100 Đại sứ Việt Nam và Tham tán Thương mại Việt Nam tại nước ngoài đã tham dự Hội nghị.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chủ trì Hội nghị

Trong diễn văn chào mừng tại Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã biểu dương các thành tích đạt được của các Thương vụ Việt nam tại nước ngoài. Trong đó, các Thương vụ đã thực hiện tốt 2 chức năng chính: Đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế, thương mại; Xúc tiến mở rộng thị trường nước ngoài cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp của nước ngoài vào Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, để có thể phát huy tốt hơn các nguồn lực trong nước, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì điều quan trọng là chúng ta cần phải hết sức quyết tâm để thay đổi mạnh mẽ về chính sách và tư duy. Muốn làm được điều đó thì các Thương vụ phải là những nhà tư vấn chính sách cho Chính phủ. Các Tham tán Thương mại chính là người mang thông điệp và hình ảnh về đất nước Việt Nam ra thế giới. 

8. Hoàn thành dự án Tổ hợp Bôxit-Nhôm Lâm Đồng

Dự án Tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Đồng (hay còn gọi là Dự án Alumin Tân Rai) có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 650.000 tấn alumin/năm. Dự án gồm các công trình: Khai thác mỏ bô xít; Nhà máy tuyển quặng bô xít; Tổ hợp Nhà máy alumin (gồm nhà máy nhiệt điện than, nhà máy khí hóa than và nhà máy alumin). Tổ hợp Nhà máy alumin do nhà thầu Chalieco Trung Quốc thực hiện xây dựng theo hình thức hợp đồng EPC trên cơ sở trúng thầu đấu thầu quốc tế rộng rãi, còn lại các công trình khác do Chủ đầu tư và các nhà thầu trong nước thực hiện. 

 

Đến nay, toàn bộ tổ hợp đã hoàn thành đi vào hoạt động, riêng nhà máy alumin đang trong quá trình chạy thử, cuối quý II/2013 dự án tiến hành chạy đồng bộ các chỉ tiêu để bàn giao đưa nhà máy vào sản xuất. Tính đến tháng 4/2013 Tổ hợp đã sản xuất được trên 265.000 tấn quặng tinh bô xít, 28.600 tấn alumin và 16.700 tấn hydrate (là sản phẩm đưa vào nung để ra alumin). Về chất lượng sản phẩm alumin cơ bản đã đạt chất lượng theo yêu cầu của hợp đồng (hàm lượng AL2O3 > 98,6%,).

9. Khởi động đàm phán với Liên minh Hải quan Nga – Bêlarút – Cadắctan

Ngày 28/3/2013, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ban Thường trực Ủy ban Kinh tế Á – Âu Viktor Khristenko đã tuyên bố chính thức khởi động đàm phán FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan.

Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ban Thường trực Ủy ban Kinh tế Á – Âu Viktor Khristenko, hai trưởng đoàn đàm phán là Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng phụ trách Thương mại của Ủy ban Kinh tế Á – Âu Andrey Slepnev đã ký thông báo chung về phiên làm việc đầu tiên của hai đoàn đàm phán FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Vitor Borisovich Khristenko chứng kiến lễ ký thông báo chung giữa hai trưởng đoàn đàm phán

FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan phù hợp các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới, đồng thời có cân nhắc phù hợp đối với những lĩnh vực nhạy cảm của mỗi nước và sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các bên. FTA này sẽ bao gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, các quy tắc hợp tác kinh tế và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm. Tại vòng đàm phán đầu tiên, các bên sẽ thảo luận chi tiết về phạm vi và lĩnh vực điều chỉnh của Hiệp định, cơ cấu và phương thức đàm phán.

10. Tổ chức thành công phiên rà soát chính sách thương mại lần đầu tiên của Việt Nam tại WTO

Bộ Công Thương đã phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức Hội thảo giới thiệu kết quả Phiên rà soát chính sách thương mại đầu tiên kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 1/2007.

 

Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Franz Jessen đồng chủ trì

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Franz Jessen cho biết  "Chúng tôi cho rằng RSCSTM là một tiến trình quan trọng, không chỉ bởi hình thức triển khai minh bạch, sâu sắc và toàn diện mà còn vì nó thúc đẩy đối thoại trên tinh thần xây dựng với các đối tác quốc tế về những lĩnh vực còn nhiều thách thức. Cần có chính sách thương mại phù hợp và những cải cách mang tính cơ cấu để tăng cường tổng thể hiệu quả, năng suất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Đây cũng là những vấn đề mang tính quyết định để Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU ký kết trong tương lai được thực thi hiệu quả. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, thông qua Dự án EU MUTRAP, để giải quyết những thách thức nêu bật trong phiên RSCSTM ".

Từ đầu năm 2013, Bộ Công Thương đã chuẩn bị soạn thảo Báo cáo chính sách trong phiên RSCSTM với sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu ÂU (EU-MUTRAP). Ngày 17/9/2013, Phái đoàn quan chức Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu, đã tham gia phiên rà soát tại Geneve, Thụy Sỹ. 

 

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *