Dòng chảy vốn 01/01/2014 13:24

Tái cơ cấu DNNN: Một năm nhìn lại

FICA - Nhìn lại năm 2013, khi nền kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn đã dẫn đến việc tái cơ cấu DNNN diễn ra còn khá chậm so với yêu cầu đề ra.

Phê duyệt đề án tái cơ cấu của 63 doanh nghiệp

Theo Bộ Tài chính, về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, theo số liệu báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, đến nay cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.376 doanh nghiệp. Trong đó: Cổ phần hóa 3.659 doanh nghiệp; Chuyển thành Công ty TNHH 1TV 1.033 doanh nghiệp; Giao doanh nghiệp 222 doanh nghiệp; Bán doanh nghiệp 158 doanh nghiệp; Giải thể 313 doanh nghiệp; Phá sản 92 doanh nghiệp; Chuyển thành Công ty TNHH 2TV trở lên 22 doanh nghiệp; Các hình thức khác (sáp nhập, hợp nhất…) 877 doanh nghiệp.

Đến nay, đã có 83/91 Tập đoàn, Tổng công ty (không bao gồm 18 Tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng) xây dựng Đề án tái cơ cấu, trong đó có 63 doanh nghiệp đã được phê duyệt Đề án gồm 57 doanh nghiệp thuộc Trung ương, 6 doanh nghiệp thuộc địa phương; vẫn còn 8/91 đơn vị chưa báo cáo việc xây dựng Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp.

Sau khi Đề án tái cơ cấu được phê duyệt, các doanh nghiệp đã tích cực triển khai và bước đầu các doanh nghiệp đang triển khai phương án sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý điều hành, đẩy mạnh việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị thành viên theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, các Tập đoàn, Tổng công ty đã từng bước xử lý những tồn tại về tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt như tăng vốn điều lệ từ nguồn chênh lệch tăng do thí điểm kiểm kê, đánh giá lại tài sản; sử dụng các nguồn vốn hợp pháp hiện có để tăng vốn điều lệ; đàm phán với các nhà cung cấp tín dụng để cơ cấu lại các khoản vay; thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính, đặc biệt là các khoản đầu tư trong các lĩnh vực chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng và bất động sản.

Đối với công tác tái cơ cấu về quản trị, lao động, Bộ Tài chính cho biết, các Tập đoàn, Tổng công ty đã triển khai các giải pháp nhằm sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành...

90% doanh nghiệp sau tái cơ cấu có lợi nhuận tăng

Bộ Tài chính cho biết, công tác sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp đã góp phần điều chỉnh cơ cấu DNNN phù hợp với yêu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh và chỉ tập trung nắm giữ  ở một số lĩnh vực then chốt.

Bên cạnh đó, góp phần hoàn thiện và phát triển thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ. Thông qua quá trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN cũng tạo thêm nguồn thu về Quỹ Sắp xếp cổ phần hoá để tiếp tục đầu tư phát triển các DNNN

Hiệu quả hoạt động của DNNN sau khi sắp xếp, cổ phần hóa từng bước được nâng cao. Theo báo cáo của 3.576 doanh nghiệp sau khi đã sắp xếp, cổ phần hóa gửi về Bộ Tài chính thì: 85% các doanh nghiệp có doanh thu năm sau cao hơn năm trước khi sắp xếp, cổ phần hóa; gần 90% doanh nghiệp sau khi sắp xếp, cổ phần hóa có lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước; 86% doanh nghiệp đóng góp vào NSNN của năm sau cao hơn năm trước khi sắp xếp, cổ phần hóa.

Lao động dôi dư ở các đơn vị sắp xếp, cổ phần hóa tiếp tục được hưởng chính sách trợ cấp; được hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nghề để bố trí việc làm mới tại doanh nghiệp cổ phần hoá hoặc tự thu xếp công việc mới đã góp phần đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, cổ phần hoá, duy trì ổn định xã hội.

Tiến độ tái cơ cấu còn chậm

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện tái cơ cấu DNNN vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, việc thực hiện chế độ báo cáo còn chưa kịp thời để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

Tiến độ sắp xếp, cổ phần hoá cũng chưa đáp ứng được yêu cầu đã đề ra; Số lượng doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá không thuộc diện nhà nước cần chi phối có tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước tại các doanh nghiệp trên 51% vốn điều lệ còn cao, đặc biệt là tại các Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Kỳ vọng những bước tiến mới

Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty. Đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo nguyên tắc thị trường và lộ trình đã được phê duyệt. Giảm và bán toàn bộ vốn Nhà nước ở các DN mà Nhà nước không cần chi phối.

Đồng thời, kiện toàn cán bộ lãnh đạo và nâng cao năng lực quản trị DN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu Nhà nước. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của DNNN theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế”.

Bộ Tài chính cho rằng, trong năm 2013, khi nền kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn đã dẫn đến việc tái cơ cấu DNNN diễn ra còn khá chậm so với yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, trước những dấu hiệu của nền kinh tế trong nước và thế giới đang ấm dần, trước những kết quả khả quan đạt được khi chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ đang phát huy tác dụng, chúng ta có cơ sở để tin tưởng bước sang năm 2014 Đề án tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam sẽ có bước tiến mới.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *