Đời Sống 08/09/2014 11:17

Vụ “Gần 100 lao động Việt Nam sống cùng cực tại Belarus vì bị nợ lương”: Về nước hay ở lại đều khổ!

Ngoài một lao động phải bỏ mạng nơi xứ người, tính đến ngày 2/9, đã có 20 người trong tổng số 98 lao động được đưa đi làm việc tại Belarus đã về tới Việt Nam.

 
5 người lao động về nước vào tối 31/8 tại sân bay Tân Sơn Nhất.
5 người lao động về nước vào tối 31/8 tại sân bay Tân Sơn Nhất.
 

“Được về Việt Nam như trúng số độc đắc. Thoát khỏi Belarus như vừa thoát khỏi địa ngục. Thế nhưng, tình cảnh của chúng tôi bây giờ về nước hay ở lại Belarus đều khốn khổ. Về thì đối mặt nợ nần chồng chất, ở lại Belarus thì cũng chưa được đi làm, tiếp tục bị nợ lương, phải đi ăn xin, hái trộm ngô, hái rau về ăn qua ngày”, anh N (quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh) - người về nước tối 31.8 chia sẻ.

Đi ăn xin nhưng vẫn phải kiếm tiền đóng phạt

Theo lời N, anh vẫn chưa cho gia đình biết thông tin mình trở về Việt Nam. “Em sợ quá chị à, Cty “bắn” tin về gia đình rằng nếu người lao động (NLĐ) ở lại thì được giải quyết việc làm, lương Cty sẽ đòi. Gia đình vì phải vay mượn gần 100 triệu đồng để tụi em đi làm nên giờ tụi em về, gia đình sẽ nghĩ là tụi em lười biếng. Khổ lắm! Chị kiếm giúp cho em vài tờ báo em mang về làm bằng chứng để gia đình biết rõ tình cảnh của tụi em”, N tâm sự.

N kể, sau khi báo đăng, cũng có những tác động nhất định đến việc giải quyết cho anh em nhưng những anh em cung cấp thông tin cho báo chí thì bị làm khó. “Có một NLĐ thường xuyên cập nhật tin tức báo đăng lên mạng xã hội bị Cty “thù”. Đáng lẽ được về nhưng tới phút cuối Cty hủy rồi. Giờ Cty nói là người đó nợ nhiều lắm, gia đình phải gửi tiền sang mới cho về”, N nói.

Không chỉ nợ lương, Cty bên Belarus còn không đóng tiền nhà cho NLĐ nên chủ lấy lại nhà, đuổi NLĐ ra ngoài, cắt điện, cắt nước, báo giảm tạm trú với công an địa phương. “Không có chỗ ở, hộ chiếu cũng đã cắm để lấy tiền mua thức ăn, lại bị báo giảm tạm trú nên chúng tôi trở thành những người cư trú bất hợp pháp. Vừa rồi, công an đến kiểm tra giấy tờ, phạt tất cả NLĐ mỗi người 1,5 triệu rúp (khoảng 3 triệu đồng Việt Nam). Không có tiền đóng phạt, Cty đứng ra chịu rồi sau này sẽ bị trừ lại. Rác không có người đến thu gom, Cty cũng phạt NLĐ 20USD, rồi trừ trực tiếp vào lương”, T nói.

Vì không có tiền ăn, NLĐ phải cắm hộ chiếu với mức lãi suất 10.000 rúp/ngày (mỗi hộ chiếu cắm được từ 1-3 triệu rúp/lần), Cty bên Việt Nam còn ra thông báo là “gia đình phải gửi tiền qua mới có tiền để NLĐ về hoặc phải để công an bắt, trục xuất thì khi đó sẽ được về mà không phải đóng phạt”.

Vẫn tiếp tục sống khổ

NLĐ cho biết, sau khi báo đăng, cộng đồng người Việt ở Belarus đã tìm đến chỗ của những NLĐ Việt Nam đang ở để hỗ trợ gạo, thực phẩm và một ít tiền. “Cộng đồng người Việt bên này rất tốt, có những người quanh đây vẫn cho chúng tôi trứng, gạo ăn tạm qua ngày nhưng họ không thể cưu mang hết 70 người được. Chúng tôi chỉ mong được giải thoát khỏi cảnh này càng sớm càng tốt”, anh T nói.

Những NLĐ cho biết, thực sự ai cũng muốn về Việt Nam nhưng “bây giờ về không biết lấy tiền đâu mà trả cho các khoản nợ. Chi phí bỏ ra gần cả trăm triệu, vay nóng, vay nguội đều có, cầm cố nhà cửa, bán đất, bán vườn cũng có, nếu bây giờ về mà không có tiền trả mấy khoản kia thì cả gia đình ra đường ở. Nhưng ở lại thì đây thì bị nợ lương”, anh V nói.

Theo lời ông Đỗ Hải Phong (Cty INMASCO), để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, Cty đưa ra giải pháp sẽ chuyển NLĐ sang ký hợp đồng với một Cty mới ổn định hơn về tài chính với môi trường làm việc tương tự, mức lương trung bình 500 USD/tháng. Hợp đồng được dịch ra tiếng Việt và đưa cho NLĐ xem xét. Đồng thời, hai Cty INMASCO và IDC cũng kết hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Belarus có những buổi làm việc với Cty Mobile Center (đơn vị thuê NLĐ Việt Nam làm việc tại Belarus) để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ Việt Nam. Hai Cty cũng có văn bản cam đoan sẽ trả số lương còn nợ cho NLĐ trong ngày 30.9. Theo ông Phong, phương án đưa NLĐ về nước Cty chỉ áp dụng với những ai có nhu cầu xin về, hoặc có những hành vi gây rối, đánh đập, lôi kéo, ép công nhân khác đình công, biểu tình; hoặc vi phạm pháp luật nước sở tại và bị trục xuất về nước.

“Hướng giải quyết là như vậy nhưng đến nay, tình hình của chúng tôi vẫn chưa có gì thay đổi. Mỗi ngày, chúng tôi vẫn phải ra bến tàu để xin nước sinh hoạt, đi ăn xin, đi lên rú (rừng) bẻ ngô trộm, hái rau rừng về ăn. Chưa có công việc mới, tiền bạc không có, nhiều ngày qua, chúng tôi không có hạt cơm nào trong bụng cả”, anh V cho biết.
 

Gần 20 người vì không có tiền ăn, không việc làm đã vượt biên sang Nga

Vì không chịu nổi cảnh sống cùng cực như nô lệ tại Belarus, lại không có việc làm, nhiều NLĐ đã tìm cách vượt biên sang Nga làm “chui”. “Vẫn biết là qua đó sẽ có nhiều nguy hiểm rình rập nhưng bây giờ ở lại Belarus không biết có cầm cự nổi không. Đã lỡ vay tiền, cầm cố nhà cửa để đi nước ngoài làm việc thì phải tìm mọi cách để kiếm tiền mà gửi về cho vợ con trả nợ”, anh L - một người vượt biên sang Nga nói.
 
 
Theo Lê An Nhiên
Lao Động
Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *