Đời Sống 07/09/2014 15:59

Các nước châu Á rộn ràng đón Trung thu

Mặc dù phong tục mỗi nước mỗi khác, tuy nhiên, nhìn chung, ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em, ngày tết Trung thu còn mang ý nghĩa nhớ về tổ tiên và đoàn tụ.

Tại nhiều quốc gia ở châu Á, người dân đang tưng bừng chuẩn bị đón tết Trung thu - một trong những dịp lễ quan trọng và được mong đợi nhất của năm, rơi vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm (tức 8/9 năm nay). Tuy nhiên, phong tục tổ chức ngày lễ này ở mỗi quốc gia lại mang màu sắc văn hóa khác nhau. 

 

Một khu chợ trung thu ở đường Waterloo, Singapore

 

Với người Trung Quốc, Trung thu là tết đoàn viên vì người Trung Quốc rất xem trọng sự sum họp của gia đình trong dịp này. Bánh nướng và bánh dẻo là hai loại bánh không thể thiếu trong mâm cỗ Trung thu của người dân nước này. Bánh thường mang hình tròn tượng trung cho sự đoàn viên, viên mãn. Cũng như các năm trước, nhân dịp tết trung thu năm nay, nhiều người dân tại Thượng Hải đã đến thăm các viện dưỡng lão để được sum vầy cùng những người thân đang sống tại đây. 

Anh Vương, cùng anh trai và chị gái đến thăm cha tại một nhà dưỡng lão cho biết:Đã đến dịp tết Trung thu. Chúng tôi cùng nhau tới đây để đón bố mình. Chúng tôi sẽ cùng đi tới quảng trường Nhân dân và công viên nữa. Chúng tôi còn định ra ngoài dùng bữa với nhau”. 

 

Đường phố Singapore dịp Trung thu

 

Singapore, một đất nước có rất nhiều người gốc Hoa nên lễ Trung thu ở nước này cũng được tổ chức rất linh đình. Khoảng 3.000 chiếc đèn lồng lung linh thắp sáng khu phố người Hoa tại Singapore. Một khách du lịch cho biết: “Thật thú vị. Tôi rất thích những ánh đèn ở đây. Đặc biệt là con gái tôi. Quả thật rất đẹp. Thật tuyệt khi tới đây”.

 

Chủ đề chính của Tết Trung thu năm nay tại khu phố người Hoa tại Singapore là những chiếc đèn lồng hình bông hoa với đủ hình dáng, kích cỡ như hình hoa lan, mẫu đơn, hoa loa kèn, hoa thuỷ tiên vàng Đáng chú ý là một con rồng dài 28m, được tạo thành từ 110 chiếc đèn lồng hình hoa, vừa được đưa vào sách kỷ lục của Singapore. 

 

Các đều bếp Malaysia chuẩn bị bánh trung thu khổng lồ

 

Các hoạt động lễ hội đón tết trung thu năm nay bắt đầu diễn ra kể từ hôm 23/8 vừa qua và dự kiến sẽ kéo dài đến hết ngày 28/9 tới, bao gồm một chuỗi các hoạt động văn hóa sôi nổi như làm đèn lồng, phiên chợ phục vụ lễ hội trên đường phố, và hướng dẫn du lịch miễn phí tại các khu di tích.

 

Trung thu của người Nhật cũng được tổ chức vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm và còn được gọi là “lễ hội ngắm trăng”. Từ hơn 1.000 năm nay, đây là dịp để người Nhật tôn vinh mặt trăng trong mùa thu, thời điểm mặt trăng tròn nhất. Nhà nhà tại Nhật Bản đang tất bật chuẩn bị món bánh gạo nếp cổ truyền để cùng nhau thưởng thức vào đêm trăng rằm. Trẻ em Nhật Bản cũng được cha mẹ sắm cho những chiếc đèn cá chép để rước trong các hội thưởng trăng. 

 

Tại Hàn Quốc, tết Trung thu được coi là ngày “lễ tạ ơn” hay lễ hội mừng mùa bội thu và cảm tạ tổ tiên của người dân xứ sở Kim Chi. Nhiều người đi xa đang trên đường về nhà để đoàn tụ, sum vầy cùng gia đình, cùng nhau thưởng thức các món ăn truyền thống, trong đó phải kể đến món bánh gạo có hình trăng lưỡi liềm hay bánh nướng xốp. Ngoài ra, các lễ vật để thờ cúng tổ tiên, hay các món quà tặng dành cho người thân, bạn bè đều đã được người dân Hàn Quốc chuẩn bị kỹ lưỡng nhân dịp này. 

 

Bánh trung thu Hàn Quốc songpyeon 

 

Người dân Malaysia cũng đang rất háo hức với dịp rằm tháng 8 này. Bánh trung thu, đèn lồng đang được bày bán khắp nơi. Cùng với đó là các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa sôi động như múa lân, múa sư tử cũng đang được chuẩn bị cho dịp lễ được chào đón nhất của năm này.

 

Mặc dù phong tục mỗi nước mỗi khác, tuy nhiên, nhìn chung, ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em, ngày tết Trung thu còn mang ý nghĩa lớn lao là dịp để mọi người cùng nhau nhớ về tổ tiên, những người thân yêu, cùng nhau đoàn tụ và cầu chúc những điều tốt đẹp nhất./.

Theo Phương Anh
VOV
Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *