Đời Sống 15/09/2014 21:34

Đêm mai, tâm bão “đổ bộ” Quảng Ninh - Hải Phòng, miền Bắc mưa to

FICA - Từ chiều mai 16/9, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương có gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão đi qua giật cấp 12 - 13.

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ cho biết: Hồi 19 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ vĩ Bắc; 114,6 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ với cường độ cấp 10 - 11, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 07 giờ ngày 17/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 104,1 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Tây Bắc Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 một giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa) đêm nay (15/9) còn có gió mạnh cấp 8 - 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11 - 13, giật cấp 15 – 16, sóng biển cao 7 - 9m. Biển động dữ dội. Từ sáng mai (16/9), vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 8, riêng khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) tăng lên cấp 10 – 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12 – 13, giật cấp 15 – 16, sóng biển cao 5 - 6m. Biển động dữ dội.

Từ chiều mai (16/9), các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương có gió mạnh cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 – 11, giật cấp 12 – 13. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8. Ở Bắc Bộ từ đêm 16/9 có mưa vừa, mưa to, riêng khu Đông Bắc và vùng núi phía bắc có mưa to đến rất to.

Chiều 15/9, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương (BCĐPCLBTW) đã tổ chức Giao ban trực tuyến đối phó với bão số 3, với sự tham dự của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và đại diện 26 tỉnh, thành nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão số 3. Tại buổi giao ban, Phó Thủ tướng nhận định, bão số 3 đang có dấu hiệu di chuyển nhanh với cường độ mạnh hơn và sẽ tác động đến miền Bắc nước ta vào chiều tối mai (16/9); Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương và cơ quan chức năng báo cáo về hoạt động phòng chống thiên tai.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ  cho biết, đây là cơn bão mạnh lên rất nhanh. Chỉ trong 24 tiếng bão đã tăng lên  mạnh lên 5 cấp (từ cấp 8- 12), là hiện tượng hiếm có trong quá khứ.

Theo nhận định của ông Cường, nếu đúng vào thời điểm bão độ là đêm mai, vùng tâm bão là Quảng Ninh - Hải Phòng đang ở mức triều cường thấp nhất trong ngày và thấp trong năm. Do đó, mực nước dâng chỉ đạt 2,6 - 3m. Hy vọng với diễn biến như vậy sẽ không xảy ra ngập lụt diện rộng ở vùng tâm bão.

Tuy nhiên, nếu bão vào muộn hơn, tức là đến tận trưa ngày kia (17/9) thì sẽ  gây ngập lụt ở vùng trũng ven biển. “Điều chúng tôi lo lắng nhất là nguy cơ sạt lở đất ở vùng núi trung du, bởi dự báo từ trên toàn miền Bắc sẽ có mưa nhanh với cường độ cao 200- 300ml” - ông Cường lo lắng nói.

Cụ thể, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Tư, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 từ đêm 16/9 đến chiều ngày 18/9 ở các tỉnh Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ phổ biến trong khoảng từ 100 – 250mm, riêng khu vực Đông Bắc, các tỉnh vùng núi phía Bắc từ Lạng Sơn tới Tuyên Quang có tổng lượng mưa từ 250 - 300mm, có nơi trên 400mm; ở các tỉnh phía Tây Bắc Bộ lượng mưa phổ biến từ 70 – 150mm, có nơi trên 200mm.

Trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình từ ngày 17 đến ngày 23 tháng 9, sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 7 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 4 mét. Trong đợt lũ này, lưu lượng lớn nhất đến hồ Sơn La có khả năng lên mức 5000m3/s, đến hồ Hòa Bình có khả năng lên mức 4000m3/s; mực nước trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên mức 32,5m, trên mức báo động 3 là 0,5m, sông Lô tại Tuyên Quang lên mức 23m, trên mức báo động 1 là 1m; sông Lục Nam tại Lục Nam lên trên mức báo động 3 (6,3m); sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương lên trên mức báo động 2 (5,3m).

Lũ quét và trượt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Cạn, Thái Nguyên; đặc biệt ở các huyện như: Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh); Bắc Sơn, Bình Gia, Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn); Na Hang, Hàm Yên, Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang); Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang); Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Yên Bình, Lục Yên, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái); Mường Lay, Mường Tè, Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên); Bắc Yên, Mộc Châu, Yên Châu (tỉnh Sơn La); Lương Sơn, Kim Bôi, Mai Châu (tỉnh Hòa Bình); Pắc Nậm, Ba Bể, Bạch Thông, Thị xã Bắc Cạn (tỉnh Bắc Cạn); Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên); .

Cần có biện pháp phòng chống ngập lụt ở các vùng trũng, các đô thị ở Đồng bằng Bắc Bộ như: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.

An Hạ

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *