Doanh Nhân 01/07/2014 17:30

Warren Buffett định giá một công ty như thế nào?

Quan điểm của Warren Buffett về định giá và những khác biệt so với các nhà đầu tư khác.

 Warren Buffett định giá một công ty như thế nào?
 
Warren Buffett được biết đến là nhà đầu tư thành công nhất trong lịch sử. Ông là chủ nhân của khối tài sản lên tới 64 tỷ USD. 
 
Vị tỷ phú này đã kiên trì theo đuổi các nguyên tắc đầu tư giá trị và được mọi người gọi là “nhà hiền triết” bởi sự cởi mở chia sẻ hiểu biết của ông cho mọi người. 
 
Buffett cũng nổi tiếng vì không ít lần chỉ trích việc đầu cơ lướt sóng, quyền chọn cổ phiếu hay các loại hình chứng khoán phái sinh.
 
Mỗi năm cứ đến kỳ đại hội cổ đông thường niên của tập đoàn Berkshire Hathaway, giới đầu tư, báo chí lại hướng sự chú ý về Omaha, nơi Buffett đang sinh sống và làm việc để lắng nghe những lời khuyên hữu ích từ ông già thông thái này. 
 
Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, người ta vẫn luôn cố đi tìm lời giải cho câu hỏi làm thế nào Buffett định giá một công ty ?  làm thế nào trong suốt hơn nửa thế kỷ sự nghiệp của mình, ông luôn có thể mua được những công ty với mức giá rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thực của nó và thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ ?.
 
Trong lĩnh vực đầu tư tài chính ngày nay, người ta áp dụng nhiều mô hình định giá khác nhau, sử dụng các chỉ số như beta, WACC, PE, PB hay PS với sự hỗ trợ của máy tính để giải quyết các phép tính phức tạp. 
 
Thế nhưng, Buffett từng khuyên các sinh viên của đại học Chicago là không cần phải biết về beta, về thị trường hiệu quả, thị trường mới nổi hay thuyết danh mục đầu tư hiện đại, mà tốt nhất là không nên biết. 
 
Theo ông, đây không phải là những yếu tố bền vững để có thể tin vào trong dài hạn. Ông còn nói: “Nếu bạn phải sử dụng máy vi tính hay máy tính bỏ túi để thực hiện công việc định giá một công ty thì bạn đừng nên mua công ty đó nữa”.
 

Trong bức thư gửi cổ đông của Berkshire Hathaway năm 1992, Buffett có viết: “Trong lĩnh vực đầu tư giá trị, 50 năm về trước John Burr Williams đã xây dựng nên một phương trình tính toán giá trị của tài sản, nói một cách súc tích thì: giá trị của bất kì cổ phiếu, trái phiếu hay việc kinh doanh nào ngày hôm nay cũng đều được xác định bởi dòng tiền mà nó tạo ra trong suốt phần đời tiếp theo của nó, và được chiết khấu ở một tỷ lệ phù hợp.”

Tại đại hội cổ đông năm 1997, tỷ phú này tiết lộ nếu phải chiết khấu dòng tiền về hiện tại ông xem lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ - lãi suất phi rủi ro là đáng tin cậy để dùng làm tỷ lệ chiết khấu. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng không thể cứ dự phòng cho rủi ro bằng cách dùng một con số tỷ lệ cao hơn. 
 
Trả lời một câu hỏi trong đại hội cổ đông năm 1998, Buffett  cho biết: “Nếu lãi suất trái phiếu chính phủ là 7%, chúng tôi chắc rằng mình sẽ muốn chiết khấu dòng tiền sau thuế ở mức 10%. Nhưng điều đó còn phụ thuộc vào độ chắc chắn về việc kinh doanh của công ty đó. Càng cảm thấy chắc chắn vào một công ty bao nhiêu, chúng tôi càng sẵn lòng tham gia vào cuộc chơi bấy nhiêu.”
 
Bill Gates chia sẻ một bài học đầu tư mà ông biết được từ Buffett, đó là đầu tư một cách hiệu quả và an toàn, không nhờ dựa vào những yếu tố biến thiên trên thị trường như giá cả, khối lượng để ra quyết định. 
 
Mà là phải tìm cho ra “con gà đẻ trứng vàng” của một công ty. Đó chính là lợi thế cạnh tranh và là yếu tố quyết định cho việc xác định giá trị công ty đó. 
 
"Bạn phải biết được liệu nguồn lợi nhuận đó đang teo tóp hay tiếp tục sinh sôi nảy nở", Gates nói.
 
Năm 2000, Buffett viết cho các cổ đông của mình như sau: “Có một nguyên tắc trong đầu tư là một con chim ở trong tay đáng giá bằng hai con chim ở trong bụi. Để hiểu rõ điều này, chúng ta chỉ cần trả lời 3 câu hỏi:
 Bạn chắc chắn đến mức nào rằng thật sự có chim trong bụi? Khi nào thì những con chim xuất hiện và sẽ có bao nhiêu con? Mức độ rủi ro là bao nhiêu?”
 
Điều thú vị là không một ai biết nhà đầu tư vĩ đại này đã từng sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) để áp dụng trong các phi vụ đầu tư của mình hay chưa. 
 
Ngay cả Charlie Munger, cộng sự và là người bạn lâu năm nhất của ông tại Berkshire cũng nói ông chưa từng thấy Buffett  lập một bảng tính DCF nào cả. Chỉ biết rằng Buffett rất coi trọng yếu tố dòng tiền, khi xem xét đầu tư vào một công ty và ông đã nhiều lần đề cập đến nó trong các cuộc phỏng vấn hay nói chuyện với các sinh viên.
 
Theo Huy Cường
Một thế giới
Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *