Doanh nghiệp 06/12/2018 07:40

VBF cuối kỳ 2018: Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài quan tâm tới an ninh mạng

Amcham lo ngại rằng Luật an ninh mạng và triển khai dự thảo nghị định sẽ buộc cục bộ hoá dữ liệu có thể gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho nền kinh tế Việt Nam qua việc cản trở luồng dữ liệu tự do mà nền kinh tế số toàn cầu xây dựng. 

Luật An ninh mạng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh trong tương lai của Việt Nam?

Luật An ninh mạng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh trong tương lai của Việt Nam?

Báo cáo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018 vừa diễn ra, Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, ở Việt Nam, các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực và quy mô ngày càng phụ thuộc vào mạng Internet an toàn, ổn định và đáng tin cậy để thực hiện các hoạt động giao dịch hàng ngày của họ.

Theo Amcham, lợi ích của nền kinh tế số có thể bị đe doạ bởi tấn công mạng và tội phạm mạng, trừ khi không gian trực tuyến được bảo vệ nghiêm ngặt. Đó là lý do tại sao AmCham đã và đang tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Việt Nam trong việc thiết lập một khung pháp lý về an ninh mạng.

Tuy nhiên, Amcham cho rằng, một khuôn khổ an ninh mạng được thiết lập tốt có thể tạo thuận lợi cho phát triển không gian mạng và tránh các điều khoản áp đặt gánh nặng không cần thiết bởi những điều khoản rắc rối không chỉ ngăn cản thương mại và đầu tư mà còn có tác động bất lợi đến an ninh mạng.

Theo Amcham, trong nền kinh tế số, các dịch vụ toàn cầu được củng cố bởi luồng dữ liệu tự do. Tất cả mọi hoạt động từ thanh toán đến email đều dựa trên dữ liệu được phép tự do xuyên biên giới.

Amcham lo ngại rằng, Luật an ninh mạng và triển khai dự thảo nghị định sẽ buộc cục bộ hoá dữ liệu có thể gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho nền kinh tế Việt Nam qua việc cản trở luồng dữ liệu tự do mà nền kinh tế số toàn cầu xây dựng.

Hiệp hội này cũng dẫn một báo cáo về Cộng đồng Kinh tế ASEAN của Deloitte năm ngoái chỉ ra rằng hơn 2/3 nhà đầu tư không thoải mái khi đầu tư vào các quốc gia mà họ bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu cục bộ.

Amcham cho rằng, việc ngăn chặn luồng dữ liệu tự do khiến cho sự kết nối trở nên tốn kém hơn cho người dân và doanh nghiệp, tại thời điềm mà việc giảm thiểu chi phí kết nối được coi là thiết yếu để mở rộng cơ hội kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế số và tạo thêm phúc lợi ở Việt Nam. Sự ngăn chặn này cũng làm suy yếu khả năng tồn tại và sự tin cậy của các dịch vụ dựa trên các “đám mây” trong một loạt các lĩnh vực kinh doanh cần thiết cho nền kinh tế số hiện đại.

"Ngược lại, việc tự do hoá các khuôn khổ về truyền tải dữ liệu xuyên biên giới của Việt Nam sẽ có tác động rất tích cực đến sự tăng trưởng kinh tế. Một báo cáo năm 2016 từ các đối tác của chúng tôi tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho thấy rằng việc tự do hóa này sẽ giúp tăng GDP của Việt Nam thêm 3,46 tỷ USD, tăng đầu tư vào Việt Nam thêm 920 triệu USD, tăng thêm 130 triệu USD vào thu nhập công và tăng thêm gần 73.000 việc làm mới tại Việt Nam", Amcham cho biết.

Nhóm các doanh nghiệp Mỹ cho hay, Chính phủ các quốc gia trên khắp Châu Á-Thái Bình Dương cùng với những nền kinh tế kỹ thuật số tiên tiến nhất, cũng như các quốc gia đang ưu tiên việc tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số, đang hỗ trợ cho việc tự do truyền tải dữ liệu. Trong đó có thể kể đến Chính phủ các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản, Úc và Hồng Kông.

"Có một điều quan trọng rằng Việt Nam vẫn đang phải cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực và tuân thủ nghiêm ngặt các thông lệ quốc tế. Việc đảm bảo luồng chảy tự do của dữ liệu là rất quan trọng và chúng tôi hi vọng được làm việc với các lãnh đạo Việt Nam về các tiếp cận chính sách nhằm thúc đẩy các mục tiêu cơ bản của Luật an ninh mạng đồng thời giảm thiểu sự gián đoạn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam", báo cáo nêu.

Cụ thể, Amcham kiến nghị Nghị định giảm các dịch vụ được bảo hiểm, thiết lập một quy trình mở rộng trước khi gây ra các chi phí và rủi ro xấu của việc yêu cầu địa phương hóa dữ liệu, và đề nghị Thủ tướng Chính phủ tham gia vào việc đánh giá và xác định đó.

Đồng thời, kỳ vọng có thể hợp tác cùng với Chính phủ lâu dài hơn trong việc soạn thảo dự thảo nghị định trước khi được đưa vào thực hiện, và đề xuất tiếp tục đối thoại với các bộ liên quan về cách chống tội phạm an ninh mạng mà không ảnh hưởng đến nền kinh tế kỹ thuật số.

Đồng quan điểm, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cũng cho rằng, Nghị định Hướng dẫn Luật An ninh mạng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh trong tương lai của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo hướng công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.

Do đó, Eurocham kiến nghị Việt Nam nên nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh giá các tác động của dự thảo Nghị định Hướng dẫn Luật An ninh mạng đến nền kinh tế quốc gia và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

"Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á yêu cầu lưu trữ tất cả dữ liệu trong nội địa. Để đảm bảo khả năng cạnh tranh bền vững của Việt Nam trong khu vực, phù hợp với thực tiễn và các tiêu chuẩn bảo mật ngày càng cao của quốc tế, Việt Nam nên áp dụng hệ thống phân loại dữ liệu mà chỉ những dữ liệu có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng sẽ phải lưu trữ tại Việt Nam – các quốc gia như Indonesia cũng đang áp dụng cách tiếp cận này", Eurocham cho hay.

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *