Doanh nghiệp 05/12/2018 15:28

Công ty con lỗ gần 1.500 tỷ đồng, âm cả vốn chủ sở hữu: Cơ hội nào cho Vinalines?

Hôm nay, Vinalines bán bớt cổ phần tại công ty con Vitranschart với mức giá khởi điểm chỉ 1.200 đồng/cổ phần. Tưởng rằng đây là mức giá thấp, nhưng vẫn đang “đắt” hơn giá thị trường trong bối cảnh đơn vị này đang lỗ lũy kế tới 1.485,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 861 tỷ đồng. 

Theo kế hoạch thì hôm nay 5/12, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Công ty TNHH MTV (Vinalines) sẽ chính thức chào bán 13,44 triệu cổ phần của Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart - VST) với giá khởi điểm chỉ 1.200 đồng/cổ phần.

Tuy vậy, việc bán hết số cổ phần nói trên cũng rất thách thức vẫn “ông lớn” ngành vận tải biển bởi giá thị trường của VST còn thấp hơn mức khởi điểm nói trên.

Cụ thể, trên sàn UPCoM, hiện cổ phiếu VST hầu như không có giao dịch, mức giá đứng yên tại mức 800 đồng/cổ phiếu. Mã này bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do vốn chủ sở hữu bị âm kể từ 2015 đến nay.

Sở dĩ thị giá của VST ở mức thấp như vậy là do bức tranh tài chính và kết quả kinh doanh không mấy khả quan của doanh nghiệp này. Việc bán bớt cổ phần tại VST cũng nằm trong kế hoạch tái cơ cấu của Vinalines, nhằm giảm tỷ lệ nắm giữ tại doanh nghiệp này xuống còn 36%.

Lún sâu vào vũng lầy thua lỗ, Vitranschart đang phải đối mặt nhiều thách thức để vực dậy kinh doanh

Lún sâu vào "vũng lầy" thua lỗ, Vitranschart đang phải đối mặt nhiều thách thức để vực dậy kinh doanh

Trong vòng 6 năm trở lại đây (từ 2012), VST bắt đầu chìm trong thua lỗ với con số lỗ hàng năm lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9/2018, lỗ lũy kế của VST đã lên tới 1.485,7 tỷ đồng sau khi tiếp tục báo lỗ tới 182 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Vốn chủ sở hữu đã rơi vào tình trạng âm tới gần 861 tỷ đồng.

Đến 30/9/2018, tổng tài sản VST ở mức 1.367 tỷ đồng, trong khi đó, tổng nợ phải trả lên tới trên 2.228 tỷ đồng, gấp 1,6 lần tổng tài sản. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn và dài hạn lần lượt 121 tỷ đồng và 1.259 tỷ đồng. Trong bối cảnh khó khăn, hồi giữa năm nay, VST đã phải rao bán 2 lô ô tô con, đầu kéo, rơ mooc tải với tổng số 13 xe, giá khởi điểm hơn 2 tỷ đồng.

Trong bản công bố thông tin, VST cho biết, mặc dù trong năm 2018 này, trọng tải bình quân của đội tàu giảm 14% so với năm 2017 nhưng với kỳ vọng thị trường cước được cải thiện và thời gian vận doanh tăng 5% so với 2017 nên VST dự kiến sản lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hóa vẫn xấp xỉ năm ngoái.

Đội tàu của VST gồm 8 tàu, trong đó có 4 tàu đóng ở Việt Nam với thiết kế và trang bị máy móc còn hạn chế so với các nước có nền đóng tàu phát triển ở cùng thời điểm đóng mới. Do vậy, tính hiệu quả sẽ thấp hơn so với các tàu cùng chủng loại của Nhật Bản, Hàn Quốc.

4/8 tàu còn lại đóng ở Nhật Bản và Philippines thì tuổi tàu trung bình đã xấp xỉ 21 tuổi với thời gian khai thác chỉ vài năm nữa, sẽ rất khó khăn cho chủ hàng chê tàu già, không đáp ứng chở hàng có giá trị cao với mức cước tốt.

Với tình hình thị trường vận tải biển như hiện tại, lãnh đạo VST thừa nhận, khả năng cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh của VST rất khó thực hiện khi hết năm 2017 doanh nghiệp lỗ 239,5 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.305,76 tỷ đồng. Việc tái cơ cấu các khoản nợ không đạt được kết quả như mong đợi đã khiến cho tổng lợi nhuận trước thuế quý II/2018 đã soát xét lỗ 137,5 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư của VST gần như toàn bộ vay của các ngân hàng. Khi khủng hoảng kinh tế thế giới nói chung và khủng hoảng ngành vận tải biển nói riêng diễn ra khốc liệt từ năm 2009 và kéo dài đến nay, giá cước vận tải biển giảm mạnh dẫn đến doanh thu giảm, trong khi các chi phí nhất là chi phí tài chính duy trì mức cao. Điều này dẫn đến thua lỗ kéo dài trong nhiều năm, tình hình tài chính gặp nhiều công ty và VST đã không thực hiện được lịch thanh toán như cam kết trong các hợp động tín dụng.

Theo cập nhật của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thì đã có 2 nhà đầu tư đã đăng ký mua hơn 5,5 triệu cổ phần VST trong số 13,44 triệu cổ phần được Vinalines mang ra đấu giá lần này.

Cụ thể, có 1 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua 1.000 cổ phần và phần còn lại được đăng ký bởi 1 nhà đầu tư tổ chức.

Vinalines hiện đang nắm giữ 35,4 triệu cổ phần, tương ứng 58,03% vốn điều lệ của VST. Bên cạnh Vinalines còn 1 cá nhân là ông Trương Đình Sơn sở hữu 3,31 triệu cổ phiếu VST chiếm 5,43% vốn điều lệ.

Dân Trí sẽ tiếp tục cập nhật kết quả phiên đấu giá này tới độc giả.

Bích Diệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *