Doanh nghiệp 23/01/2015 15:22

Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam: Kỳ vọng vào nhóm khách hàng trẻ

FICA - Bà Patricia Marques tỏ ra lạc quan, ở một đất nước 90 triệu dân như Việt Nam hoàn toàn đủ chỗ cho nhiều thương hiệu cà phê cùng phát triển. Và với phân nửa dân số là người trẻ, Việt Nam thực sự là mảnh đất “màu mỡ” mang lại nhiều cơ hội cho Starbucks.

 Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam - bà Patricia Marques
 
Trao đổi với báo giới tại cuộc gặp mặt báo chí ngày 22/1, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam - bà Patricia Marques cho biết, không chỉ Starbucks mà hầu hết mọi doanh nghiệp đều mong muốn có thể hiện diện ở nhiều thành phố lớn, nhiều địa phương trong cả nước. 
 
Tuy nhiên, cho đến nay, hoạt động kinh doanh của Starbucks vẫn chỉ đang chú trọng hai thị trường lớn là Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) và Hà Nội chứ chưa tính đến Đà Nẵng, Nha Trang, hay Hải Phòng, Vinh... Nguyên nhân do, để vận hành một cửa hàng Starbucks không hề đơn giản mà liên quan đến rất nhiều yếu tố, từ quản trị cho đến vận chuyển nguyên vật liệu để đảm bảo chất lượng cà phê phục vụ ở tất cả mọi cửa hàng đều như nhau. 
 
Từ tháng 2/2013 - sau 2 năm có mặt tại Việt Nam, Starbucks đã có 12 cửa hàng với 8 cửa hàng tại TPHCM và 4 cửa hàng tại Hà Nội, tuy nhiên, người quan sát vẫn hồi hộp xem sự bứt phá của nhãn hiệu này trước những “ông lớn” như Trung Nguyên, Highlands... vốn đã rất quen thuộc với người tiêu dùng Việt.
 
Với câu hỏi “liệu Starbucks có ngại không?”, bà Patricia Marques cho biết, mỗi một công ty đều có một mô hình kinh doanh riêng, nên rất khó để so sánh. Đánh giá Trung Nguyên và Highlands là những thương hiệu rất mạnh tại Việt Nam, tuy nhiên, theo bà Patricia, mô hình kinh doanh của hai hãng cà phê này và Starbucks lại hoàn toàn khác nhau.
 
Nếu như Highlands và Trung Nguyên thường sở hữu những cửa hàng rất lớn tại những vị trí đẹp thì không gian cà phê Starbucks lại tạo cảm giác hẹp hơn. Lý giải mối băn khoăn này, bà Patricia nói: “Chúng tôi muốn hiện diện ở nhiều góc nhỏ, ở nhiều nơi thay vì những quán có quy mô lớn song rời rạc. Chúng tôi thấy không nhất thiết phải có những quán lớn. Ngoài ra, Trung Nguyên và Highlands đều kinh doanh đồ ăn trưa, là một mảng lớn trong mô hình kinh doanh của họ, do đó đòi hỏi nhiều không gian hơn. Trong khi đó, Starbuck lại không nhấn mạnh đến mảng này”.
 
Bà Patricia cho biết thêm, việc lựa chọn địa điểm của Starbucks phụ thuộc vào mật độ khách hàng lui tới. Tại những địa điểm thuận lợi, Starbucks có thể mở tới 2-3 cửa hàng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, công ty cũng không “ham” mở tại những trung tâm thương mại lớn mà sẽ cần thêm một thời gian để quan sát thị trường.
 
Ngoài Trung Nguyên và Highlands cũng không thể không kể đến những quán cà phê truyền thống, lâu năm tại thị trường Việt Nam, đó là những nam châm “hút” khách rất mạnh và có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Starbucks. Trao đổi thêm với PV Dân trí, bà Patricia nhấn mạnh, Starbucks không có tham vọng thay đổi thói quen uống cà phê của người Việt mà chỉ góp vào một trong nhiều lựa chọn khác nhau cho người tiêu dùng. Người Việt Nam có thể vẫn uống cà phê phin, cà phê robusta nhưng họ vẫn có thể thích capuchino tại Starbucks.
 
Giám đốc Starbucks tại Việt Nam tỏ ra lạc quan rằng, ở một đất nước 90 triệu dân như Việt Nam hoàn toàn đủ chỗ cho nhiều thương hiệu cà phê cùng phát triển. Việt Nam có 50% dân số là người trẻ và đây thực sự là mảnh đất “màu mỡ” mang lại nhiều cơ hội cho Starbucks. 
 
Một cửa hàng Starbucks tại Hà Nội (ảnh: BD).
 
Tại thời điểm Starbucks mới xuất hiện, nhiều người hoài nghi về sự thành công của thương hiệu này tại một đất nước mà người dân có phong cách thưởng thức cà phê hoàn toàn khác so với người phương Tây. Người Việt thường thích phong vị cà phê đậm đà và thường thưởng thức tại quán chứ không có thói quen mua cà phê “take away”. Tuy nhiên, kể từ khi cửa hàng đầu tiên của Starbucks mở tại TPHCM thì lại thu hút những lứa khách hàng trẻ tuổi.
 
Mặc dù cho biết, sự tò mò của khách hàng ở thời điểm khai trương chỉ mang tính chất nhất thời, hiện các cửa hàng Starbucks đã không còn cảnh xếp hàng chờ đợi, tuy nhiên bà Patricia vẫn khẳng định “chúng tôi không hề vắng khách hơn”. Thêm vào đó, khách hàng vào Starbucks cũng không đơn thuần vì những lý do như hiếu kỳ, thích thể hiện sự “sành điệu” mà đã có những khách hàng đến vì khẩu vị. Nếu trước đây, khác chỉ gọi đúng một loại đồ uống phổ biến nhất thì nay họ đã có những lựa chọn nhất định, phù hợp với khẩu vị, tính cách của mình.
 
Về vấn đề nguyên liệu, nhiều thắc mắc vì sao kinh doanh trên đất nước xuất khẩu cà phê như Việt Nam, Starbucks Việt Nam vẫn không thu mua cà phê trực tiếp từ thị trường, bà Patricia cho biết, nguyên tắc là Starbucks là việc thu mua cà phê nguyên liệu thô (cà phê arabica) từ khắp nơi trên thế giới do công ty mẹ tại Mỹ đảm nhiệm thông qua các đại lý. Cà phê được mang về Mỹ mới thực hiện các bước rang xay chế biến và sau đó mới phân phối tới khắp chi nhánh trên toàn cầu. Điều này nhằm đảm bảo hương vị cà phê Starbucks ở tất cả các cửa hàng đều đạt một chuẩn chung.
 
Bích Diệp
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *