Doanh nghiệp 22/01/2015 15:12

Đầu tư rạp phim: Hàn Quốc chiếm ưu thế tuyệt đối

Tính đến thời điểm này, thị trường phim ảnh Việt Nam đã có sự tham gia của 6 nhà đầu tư (NĐT) lớn trong và ngoài nước, vừa đầu tư phim, vừa đầu tư hệ thống rạp chiếu phim. Đáng kể nhất vẫn là hai tên tuổi đến từ Hàn Quốc: CJ CGV (thuộc CJ Group) và Lotte Cinema, hiện đang dẫn đầu về mức độ mở rộng cụm rạp.

CGV: Quá nửa miếng bánh

Là NĐT chính cho bộ phim "Để mai tính 2", CJ CGV đã lập nên kỷ lục mới về doanh thu phòng vé với 3,85 triệu USD tại thị trường Việt Nam. Bước ngoặt này đã làm dày thêm thành tích của CGV trong năm 2014, cùng với việc mở rộng hệ thống rạp. Theo các trang phân tích về điện ảnh quốc tế, CGV đang được xem là đơn vị trong lĩnh vực phim ảnh có tốc độ mở rộng nhanh nhất thế giới.

Trang The Hollywood Reporter trích dẫn thông tin từ phía Tập đoàn, năm 2014, CGV đã lọt vào Top 10 chuỗi rạp chiếu phim tại thị trường Trung Quốc dựa trên doanh thu phòng vé và thị phần, đạt tốc độ tăng trưởng 51%. Tại thị trường này, CGV đã mở thêm 11 cụm rạp.

Qua thực tế đầu tư, có thể thấy, hầu hết các doanh nghiệp lớn của xứ Hàn, trong đó có CGV, việc "phong tỏa" thị trường châu Á là bước đi mang tầm chiến lược của họ. Cùng với Trung Quốc, hệ thống rạp CGV cũng đã có mặt ở Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và mới đây là Myanmar.

Trong đó, năm 2014, chỉ sau Trung Quốc, tốc độ mở rộng cụm rạp của CGV tại Việt Nam đạt kết quả khá ấn tượng: 9 cụm rạp tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Bình Dương, Hạ Long. So với mục tiêu ban đầu mà người tiền nhiệm CGV từng chia sẻ với Báo Doanh Nhân Sài Gòn thì con số này đã tăng gần gấp đôi.

100 triệu USD

Trong năm qua, số lượng rạp chiếu trong nước đã tăng lên hơn 60 với gần 200 phim được phát hành. Dự báo tới năm 2020, doanh thu phòng vé của Việt Nam sẽ ước đạt 100 triệu USD.

Nói về sự chuẩn bị của CGV, ông Dong Won Kwak - Tổng giám đốc CJ CGV, cho biết, mỗi cụm rạp sau khi nhận mặt bằng từ chủ đầu tư tòa nhà, CGV có 6 tháng để lắp đặt và thi công, song, việc phát triển dự án đã thực hiện từ 1 - 2 năm trước đó.

Bên cạnh hệ thống rạp hiện hữu, vị trí thống lĩnh của CGV còn thể hiện ở những dự án tiềm năng. Trước Tết Nguyên đán 2015, CGV đưa thêm 3 cụm rạp tại TP.HCM vào khai thác bao gồm: CGV Thảo Điền Pearl (tại tầng 2, Thảo Điền Pearl, Q.2), với 6 phòng chiếu (4 phòng 2D, 2 phòng 3D, tổng số 615 ghế).

Do nằm ở vị trí đặc biệt kết nối cửa ngõ phía Đông với trung tâm TP.HCM, nơi giao điểm giữa các tuyến đường giao thông huyết mạch của thành phố, CGV Thảo Điền Pearl nhắm đến khán giả khu vực ven trung tâm TP.HCM. Song, cách đó không xa, Lotte Cinema đã thuê lại 1 tầng của Daewon Cantavil (Hàn Quốc) để phát triển cụm rạp tại khu An Phú - An Khánh (Q.2).

Song song với cụm rạp tại Thảo Điền, ngày 15/1, CGV đã ra mắt cụm CGV Liberty Citypoint (tại lầu 1 khách sạn Liberty, 59 - 61 Pasteur, Q.1, TP.HCM) với 4 phòng chiếu (3 phòng chiếu 3D và 1 phòng chiếu 2D, 135 ghế ngồi).

Đây có thể được coi là cụm rạp sang trọng bậc nhất của CGV tại Việt Nam, trong đó phải kể đến 1 phòng Premium với chỉ 10 ghế ngồi bằng da, được lấy cảm hứng từ ghế ngồi hạng thương gia trên máy bay. Bên cạnh đó, 1 phòng Sweetbox với ghế ngồi có vách ngăn cao.

Cụm rạp thứ 3 được CGV khai trương trong tháng 1 là CGV Thủ Đức có 7 phòng chiếu (5 phòng 2D, 2 phòng 3D) và 1.368 ghế tại vị trí trung tâm của Thủ Đức (tầng 5 Vincom Thủ Đức, 216 Võ Văn Ngân, P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM).

Cuộc rượt đuổi của nhóm dưới

Ông Dong Won Kwak tiết lộ, năm 2015 CGV có kế hoạch cho ra mắt 10 cụm rạp nữa, trong đó 1/2 số cụm rạp tại TP.HCM và Hà Nội và 1/2 số cụm rạp được mở ở các tỉnh - thành khác. "Mỗi năm, chúng tôi lập kế hoạch mở trung bình 10 cụm rạp, với đà phát triển này, dự kiến đến năm 2018, CGV sẽ có khoảng 60 cụm rạp tại Việt Nam", ông Dong Won Kwak chia sẻ.

Trong bước đi chiến lược này, ngoài TP.HCM và Hà Nội, thị trường trọng tâm mà CGV hướng đến là các thành phố có dân số tiềm năng, với nhu cầu thưởng thức điện ảnh tại các rạp chiếu phim hiện đại đủ lớn mà chưa có cụm rạp nào đáp ứng.

Lý giải nguyên nhân đẩy mạnh đầu tư cụm rạp, Tổng giám đốc CGV cho biết, so với các nước có nền điện ảnh lớn mạnh như Mỹ, Hàn Quốc, tỷ suất người xem trên dân số là 4, tức, một người dân có thể xem phim 4 lần trong 1 năm. Trong khi con số đó tại Việt Nam là khoảng 0,2, nên Việt Nam được người trong ngành đánh giá là thị trường tiềm năng nhất.

"Và với đà phát triển khoảng 20%/năm như hiện nay, tỷ suất người xem phim trên dân số tại Việt Nam sẽ tăng lên một cách nhanh chóng. Chúng tôi hoàn toàn tự tin với chiến lược mở rộng của CGV Cinemas trên đất nước Việt Nam", ông Dong Won Kwak khẳng định.

Hơn nữa, theo nhận định của những người am hiểu lĩnh vực đầu tư phim ảnh, mức độ đầu tư rạp chiếu phim của CGV sẽ không nhỏ trong tương lai vì ở Việt Nam hiện chưa có rạp nào đạt chuẩn và quy mô lớn như ở Hàn Quốc, với nhiều hạng mục trong một cụm như: rạp chiếu phim dành cho trẻ em, rạp IMAX, khu vực F&B, khu vực chờ dành cho phụ huynh...

Không thể phủ nhận lợi thế của CGV là con người, với đội ngũ có đủ khả năng phát triển rạp, điều hành rạp, chăm sóc khách hàng, phát hành phim tại Việt Nam và kinh nghiệm gần 17 năm hoạt động trong lĩnh vực giải trí ở các thị trường lớn như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Đồng thời, CGV cũng có sự hậu thuẫn không nhỏ từ công ty mẹ CJ Group, với vị thế là một trong những chaebol (tài phiệt) của Hàn Quốc thì tài chính để đầu tư, mở rộng hoạt động không là điều khó. Những lợi thế này giúp CGV không ít khi mở rộng sự hiện diện ở thị trường Việt Nam.

Dù là đơn vị dẫn đầu nhưng theo một báo cáo mới đây, việc giảm giá vé và giá vé rẻ hơn đã giúp Galaxy Cinema là đơn vị đón khán giả nhiều hơn cả. Tuy nhiên, đại diện CGV cho biết: "Chúng tôi không xem họ như những đối thủ cạnh tranh vì sứ mệnh của chúng tôi không phải là ăn bớt thị phần của người khác. Sứ mệnh của chúng tôi là dẫn dắt sự phát triển của thị trường này tại Việt Nam với những kinh nghiệm tích cực từ các nước và tôi tin điều này rất có ý nghĩa với điện ảnh Việt Nam".

Xét về mặt phân khúc, trong khi Galaxy Cinema nhắm đến khán giả có thu nhập vừa phải thì cả CGV và một NĐT Hàn Quốc khác là Lotte Cinema lại theo đuổi phân khúc khán giả nhiều tiền hơn. Do vậy, ở góc độ cạnh tranh, có vẻ Lotte Cinema mới chính là đối thủ "đáng gờm" của CGV.

Theo Hải Âu - Phương Nguyên

Doanh nhân Sài gòn

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *