Tiêu Dùng 08/01/2015 16:00

Nông dân Úc sốt ruột vì Việt Nam cấm nhập rau quả

FICA - Đại diện Hiệp hội xuất khẩu rau quả Úc cho rằng, quá trình đánh giá rủi ro nhập khẩu của Úc cần được tiến hành nhanh hơn và cũng cần tham vấn với những chiến lược xuất khẩu để tránh việc Úc bị cấm xuất khẩu.

Thương vụ Việt Nam tại Australia dẫn nguồn tin ABC News cho biết, Việt Nam đã không thay đổi quyết định cấm nhập khẩu trái cây từ Úc kể từ ngày 1/1/2015. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất trong đàm phán giữa hai phía có hi vọng Úc sẽ thỏa mãn yêu cầu của Việt Nam về vấn đề kiểm soát ruồi giấm Địa Trung Hải.

Theo đó, Việt Nam đã ngừng không cấp giấy phép nhập khẩu đối với trái cây và rau củ của Úc năm nay do lo ngại về dịch ruồi giấm. Hiện không có giao thương nào đối với mặt hàng này.

Xuất khẩu rau quả sang Việt Nam năm vừa qua đạt 40 triệu đô la Úc

Trong đó, nho ăn trái chiếm 32 triệu đô la Úc. Theo bà Michelle Christoe - Hiệp hội xuất khẩu rau quả Úc, ngành này sẽ bị thiệt hại nhất từ lệnh cấm. “Hiện không có thị trường thay thế nào đối với việc xuất khẩu đối với loại nho đen, đặc biệt là loại Midnight Beauty. Chúng không đạt mức lợi nhuận tương đương khi bán tại nội địa và hiện nay chúng ta đang có mức cung vượt cầu đối với nho ăn quả cho thị trường nội địa.”

Việt Nam cho biết lo ngại đặc biệt về loại ruồi giấm Địa Trung Hải, vốn là vấn đề chính của những bang Tây Úc chứ không phải khu vực phía Đông.

Tuy nhiên nhiều cá nhân trong ngành trồng trọt của Úc tin rằng lý do khiến Việt Nam đưa ra quyết định này là vì đã mất kiên nhẫn với thời gian để Úc quyết định có cho phép nhập khẩu các trái cây và rau từ Việt Nam.

“Người Việt Nam muốn nhập khẩu vải vào Úc kể từ năm 2003.” “Tuy nhiên, chúng ta chỉ đến đầu tháng Mười Hai vừa qua mới xem lại hệ thống quản lý của họ để tìm hiểu có phù hợp với điều kiện của Úc không,” bà Christoe nói.

Cũng theo bà Christoe, quá trình đánh giá rủi ro nhập khẩu của Úc cần được tiến hành nhanh hơn và cũng cần tham vấn với những chiến lược xuất khẩu để tránh việc Úc bị cấm xuất khẩu. Dù vậy theo nhận định của bà Christoe, điều này không có nghĩa là Úc sẵn sàng nhượng bộ về những quy định về kiểm dịch. “Chúng tôi chỉ yêu cầu quá trình được xét duyệt nhanh hơn. Chúng tôi không nói rằng có gì sai trong việc kiểm duyệt những sản phẩm đó, chúng chỉ cần được xem xét nhanh hơn và cần nhiều nhân lực cho công việc đó hơn,”.

Chủ tịch những nhà trồng anh đào Úc, Simon Boughey cũng ủng hộ việc xem lại quá trình xét duyệt của Úc. “Úc là một nơi rất khó để mang trái cây vào vì thế tôi nghĩ chúng ta cần xem lại toàn bộ hệ thống,” ông nói. “Khi chúng ta nói về tầm quan trọng của trái cây, thị trường sẽ là nơi quyết định lượng trái cây đó sẽ thực sự được người tiêu dùng Úc tiêu thụ bao nhiêu.” Ông Boughey nói rằng ngành rất muốn làm việc với Bộ Nông nghiệp Úc để có thể giải quyết vấn đề với Việt Nam và tiếp tục giao thương lại với nước này càng sớm càng tốt nhưng ông không đưa ra dự đoán về khoảng thời gian điều này có thể thực hiện được.

Trong một thông cáo, người phát ngôn của Bộ Nông Nghiệp cho biết họ đang làm việc với chính phủ Việt Nam để cung cấp những thông tin bổ sung về quản lý và kiểm soát ruồi giấm ở Úc.

Hi vọng le lói cho nhà trồng nho

Thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Úc cho hay, sau ngày tọa đàm thứ 3, Việt Nam hiện đang yêu cầu thêm thông tin về ruồi giấm Địa Trung Hải tại Úc.Mặc dù ruồi giấm Queensland ảnh hưởng tới các bang phía Đông của Úc thì ruồi giấm Địa Trung Hải thường chỉ có ở Tây Úc.

Mùa thu hoạch cho các loại nho xuất khẩu đang cận kề, Jeff Scott thuộc hiệp hội trồng nho ăn trái hi vọng thị trường sẽ được mở trở lại cho vụ mùa.

“Tôi rất hi vọng vì phía Việt Nam đã cho biết họ lo ngại về ruồi giấm Địa Trung Hải và chúng tôi có đủ các thông tin về loài này có thể đáp ứng được họ. Chúng tôi có thực hiện quy trình phun thuốc và phòng chống để đảm bảo tránh việc xâm nhập của ruồi giấm Địa Trung Hải vào bất cứ quốc gia nào”, ông nói.

Ông Jeff Scott cho biết Hiệp hội làm việc rất mật thiết với Bộ Nông Nghiệp để giải quyết sự bế tắc hiện nay và những đại diện của ngành đang chuẩn bị sẵn sàng đi Việt Nam nếu quyết định cấm này kéo dài lâu hơn nữa.

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *