Doanh nghiệp 13/10/2017 08:07

Thua xa ô tô Thái Lan, Indonesia: Doanh nghiệp Việt toan tính gì?

Để hoàn thành giấc mơ ô tô Việt, đại diện hãng sản xuất ô tô trong nước khẳng định sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước chuyển sang sản xuất với sản lượng lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp cho các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô.

Nếu so với Thái Lan, quy mô thị trường chỉ bằng một phần mười, còn so với Indonesia thì bằng một phần tư.
Nếu so với Thái Lan, quy mô thị trường chỉ bằng một phần mười, còn so với Indonesia thì bằng một phần tư.

Thua xa Thái Lan, Indonesia

Tại Hội thảo Công nghiệp ô tô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức ngày 12/10/2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong những năm qua, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô đã bước đầu hình thành.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, quy mô thị trường ô tô của Việt Nam hiện còn quá nhỏ, thấp nhất trong 5 nước đang theo đuổi ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN. Trong đó, nếu so với Thái Lan, quy mô thị trường chỉ bằng 1/10, còn so với Indonesia thì bằng 1/4.

Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm lốp, sản phẩm nhựa... Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.

Bên cạnh đó, cũng chưa có sự hợp tác – liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất – lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng, linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup – phụ trách dự án Vinfast cũng cho biết, hiện ở Việt Nam, trung bình trong 1.000 dân mới có 23 người sở hữu ô tô. Trong khi đó, con số tương đương tại Thái Lan là 204 và mức tối thiểu tại các nước phát triển là 400. Riêng tại Mỹ, tỷ lệ sở hữu ô tô là 790 trên 1.000 dân.

Tổng công suất lắp ráp các loại xe của Việt Nam đạt khoảng 500.000 xe mỗi năm, kém xa so với mức 2 triệu xe tại Thái Lan và 1 triệu xe của Indonesia.

“Tuy nhiên, nhiều dữ liệu phân tích cho thấy Việt Nam vẫn có thể trở thành một trong những thị trường ô tô tiềm năng 10-15 năm tới, bởi mức GDP bình quân đầu người, tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng và các đặc điểm nhân khẩu học hấp dẫn”, ông Huệ nói.

Sản lượng quyết định tỷ lệ nội địa hóa

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sản lượng nhỏ cũng là một trong những khó khăn lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Đại diện VAMA cho rằng, do thị trường và sản lượng nhỏ nên chi phí khấu hao đầu tư thiết bị lớn và dẫn đến chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam cao hơn các quốc gia khác trong khu vực.

Ông lấy ví dụ, số lượng sản xuất ô tô Vios của Thái Lan gấp 8 lần Việt Nam. Trong khi đó, chi phí sản xuất ở Việt Nam cao gấp rưỡi.

Ông Phạm Văn Tài, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đánh giá, để thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, đòi hỏi phải có sự liên kết giữa doanh nghiệp lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao sản lượng và tỷ lệ nội địa hóa.

“Điều kiện tiên quyết gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cần phải có sản lượng đủ lớn mới có thể đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm và giá thành hợp lý”, ông Tài nhấn mạnh.

Điều này cũng được ông Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chia sẻ, có doanh nghiệp trong Hiệp hội nhận được đơn hàng với số lượng đặt hàng trong 1 năm chỉ có 200 sản phẩm trong khi chi phí mua các công cụ sản xuất không hề rẻ.

“Mua một chiếc khuôn và đồ gá để sản xuất tấm nhôm làm cửa ô tô tốn khoảng 2 triệu USD thì với đơn hàng nhỏ không ai dám đầu tư sản xuất cả”, ông Tuất nhấn mạnh.

Liên kết là chìa khóa

Trả lời câu hỏi làm thế nào để có sản lượng đủ lớn để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm ô tô sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, ông Tài cho biết Thaco sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đang sản xuất với quy mô nhỏ phục vụ thị trường sau bán hàng chuyển sang sản xuất với sản lượng lớn, cung cấp cho các nhà máy lắp ráp ô tô.

Ngoài ra, Thaco sẽ liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô tại Chu Lai.

Trong khi đó, ngoài việc cam kết hỗ trợ các nhà cung cấp để có thể cung ứng các linh kiện và bộ phận phù hợp với các yêu cầu của mình, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup Phụ trách dự án Vinfast cho biết, sẽ kết nối các nhà cung cấp với dữ liệu trực tiếp từ các đối tác sản xuất thiết bị gốc (OEM) quốc tế, giúp họ từng bước tham gia vào chuỗi giá trị ô tô toàn cầu.

Đặc biệt, ông Huệ còn đưa ra một ý tưởng: “Với công suất dự kiến của Tổ hợp Vinfast là 100.000 ô tô trong năm đầu tiên sản xuất, chúng tôi mong muốn có được số lượng bộ phận, linh kiện được cung cấp bởi các nhà cung cấp nội địa".

"Chúng tôi hy vọng các công ty ô tô khác đang sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam cùng hợp tác với chúng tôi để chúng ta có được một nền tảng tốt hơn và vững chãi dựa trên số lượng đơn hàng lớn. Trên tinh thần đó, chúng tôi đã có những cuộc thảo luận với Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Toyota và sắp tới là Honda cũng như các công ty khác”, ông Huệ nói.

Ý tưởng này của ông Huệ nhận được sự ủng hộ của ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban chính sách của VAMA bởi theo ông Tuấn, nếu chi phí sản xuất một chi tiết, phụ tùng ở Việt Nam thấp hơn việc nhập khẩu từ nước ngoài (bao gồm: chi phí sản xuất, thuế nhập khẩu và chi phí đóng gói, vận chuyển) thì tỷ lệ nội địa hóa sẽ được nâng lên một cách nhanh chóng bởi “lúc đó không ai đi nhập linh kiện cả”.

Thậm chí, ngay cả đối với bản thân các doanh nghiệp hỗ trợ cũng cần có sự hợp tác chặt chẽ để tiến tới tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhấn mạnh: “Một chiếc ô tô có hàng chục nghìn chi tiết, không có nền công nghiệp nào có khả năng sản xuất ra tất cả các chi tiết đó một cách hiệu quả. Cho nên cần chọn ra một số chi tiết để tập trung đầu tư sản xuất với số lượng lớn, chất lượng cao để đáp ứng trước hết là cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước, sau đó là các nước ASEAN, và xa hơn nữa có thể là cung cấp trên phạm vi toàn cầu”.

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *