Doanh nghiệp 09/10/2017 08:39

Taxi Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab: Hành động rất trẻ con!

Nhiều tuyến đường tại TPHCM đang xuất hiện nhiều xe taxi của hãng Vinasun dán những tấm decal nền đỏ, chữ vàng với 2 dòng chữ khác nhau nhưng cùng nội dung phản đối đối thủ là Uber và Grab.

Tài xế bộc phát?

Ngày 8/10, dù là ngày cuối tuần nhưng người đi đường khá ngạc nhiên khi bắt gặp hình ảnh xe taxi của hãng Vinasun dán dòng chữ với nội dung: "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam" và “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”.

Tuy dán phía sau xe nhưng những miếng decal nền đỏ, chữ vàng khá bắt mắt, thu hút sự quan tâm của người đi đường với thái độ không mấy thiện cảm.

Một taxi Vinasun có dán dòng chữ: “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”.
Một taxi Vinasun có dán dòng chữ: “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”.

Tại đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp), khi thấy chúng tôi áp sát chụp hình thì 2 xe taxi của Vinasun (1 chiếc 7 chỗ, 1 chiếc 4 chỗ) bất ngờ tăng tốc. Khảo sát nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM, đa phần các dòng xe của Vinasun đều dán dòng chữ có nội dung trên. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, vẫn có một vài chiếc taxi của hãng này "quên" dán bản phản đối Uber, Grab. Trong khi đó, loại hình taxi công nghệ mà Vinasun đưa vào khai thác cách đây không lâu thì chưa thấy có dán dòng chữ này.

Tại TPHCM, ngoài Vinasun, các hãng taxi khác trong nhóm dịch vụ taxi truyền thống như Mai Linh, Bến Thành, Sài Gòn Tourist, Savico, Vina, SaiGon Air, Hoàng Long... đều chưa ghi nhận có cách phản đối taxi công nghệ như Vinasun.

Trước sự việc trên, trả lời báo chí, ông Tạ Long Hỷ, phó Tổng Giám đốc Vinasun cho rằng đây là việc làm bộc phát từ các tài xế chứ không phải chủ trương của công ty. Ông Hỷ cũng khẳng định, việc dán các khẩu hiệu này là bình thường, không có gì sai phạm. Tuy nhiên, trước phản ánh của dư luận, công ty sẽ tiến hành rà soát, tìm hiểu vì sao tài xế lại làm như thế để có hướng xử lý.

Tại đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp), khi thấy chúng tôi áp sát chụp hình thì 2 xe taxi của Vinasun (1 chiếc 7 chỗ, 1 chiếc 4 chỗ) bất ngờ tăng tốc
Tại đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp), khi thấy chúng tôi áp sát chụp hình thì 2 xe taxi của Vinasun (1 chiếc 7 chỗ, 1 chiếc 4 chỗ) bất ngờ tăng tốc

Trái với quan điểm của lãnh đạo công ty, một tài xế taxi Vinasun cho rằng, họ dán khẩu hiệu này là được cấp trên "bật đèn xanh" chứ không phải bộc phát để bỏ tiền ra thiết kế mẫu mã, nội dung khẩu hiệu và đi in ấn đồng loạt.

Theo cánh tài xế, việc dán khẩu hiệu này được tiến hành vào tối 7/10 để kịp "chào sân" vào ngày chủ nhật (8/10). Việc làm trên cũng xuất phát từ "chén cơm manh áo" khi taxi công nghệ ngày càng nhiều, khách hàng lại chuộng taxi công nghệ và lơ là với taxi truyền thống khiến một số tài xế bức xúc.

Đến chiều 8/10, nhiều tài xế đã tự tháo khẩu hiệu dán sau xe vì cho rằng lãnh đạo công ty nói "tài xế bộc phát" là không đúng.

"Hành động rất trẻ con"

Theo TS Bùi Quang Tín, CEO Trường doanh nhân BizLight thì việc dán decal phản đối đối thủ đang cạnh tranh trực tiếp là "hành động rất trẻ con". "Văn hóa cạnh tranh như thế này là có vấn đề. Rất trẻ con. Những doanh nghiệp lớn trên thế giới không có doanh nghiệp nào lại hành xử như vậy", TS Bùi Quang Tín nói.

Dẫn ra Điều 4, Điều 43 của Luật cạnh tranh 2004, TS Bùi Quang Tín cho rằng, doanh nghiệp được tự do cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Tuy nhiên, việc cạnh tranh phải được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng...

Theo Điều 43 luật cạnh tranh cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

TS Bùi Quang Tín cho rằng, để xác định có hay không hành vi cạnh tranh không lành mạnh của một số hãng taxi truyền thống với taxi công nghệ cần xác định tồn tại quan hệ cạnh tranh giữa bên gièm pha và bên bị gièm pha.

"Việc đưa khẩu hiệu phản đối như Vinasun được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm loại bỏ đối thủ hoặc kìm hãm sự phát triển kinh doanh của đối thủ", TS Tín khẳng định.

Đến chiều 8/10, nhiều tài xế đã tự tháo khẩu hiệu dán sau xe vì cho rằng lãnh đạo công ty nói tài xế bộc phát là không đúng.
Đến chiều 8/10, nhiều tài xế đã tự tháo khẩu hiệu dán sau xe vì cho rằng lãnh đạo công ty nói "tài xế bộc phát" là không đúng.

Đồng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, khẩu hiệu mà các tài xế của Vinasun dán trên xe taxi có dấu hiệu của hành vi được xem là “gièm pha doanh nghiệp khác”, là một trong hành vi bị cấm theo Điều 39 Luật Cạnh tranh 2004. Theo quy định tại Điều 43 Luật Cạnh tranh 2004 về hành vi gièm pha doanh nghiệp: “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.

"Uber hay Grab có quyền khiếu nại đến Cơ quan quản lý cạnh tranh nếu cho rằng rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm cạnh tranh không lành mạnh", luật sư Chánh nói.

Công Quang

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *