Nguyên Liệu 02/12/2014 15:04

Việt Nam nhập lớn phân bón từ Trung Quốc vì… “mất gốc”!

FICA - Dù phân bón được xếp vào mặt hàng chiến lược quan trọng trong nông nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng chính là mặt hàng mà Việt Nam đang phải nhập ngoại với một số lượng lớn từ các nước khác, đặc biệt là phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), khối lượng nhập khẩu phân bón các loại 11 tháng đầu năm 2014 đạt gần 3,58 triệu tấn, với giá trị nhập khẩu đạt 1,18 tỷ USD.

 

Mặc dù phân bón được xác định là đầu vào chiến lược cho ngành nông nghiệp nhưng trong nhiều năm qua tình trạng phụ thuộc phân bón nước ngoài vẫn chưa cải thiện được là bao

 

Nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm 51,7% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tuy nhiên, so với 2013 nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2014 đã giảm 14,7% về lượng và giảm 20,3% về giá trị. Năm 2013, nhập khẩu phân bón của Trung Quốc là 49,5% tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón, đạt khoảng 1,75 tỷ USD.

 

Cũng theoBộ NN&PTNT, bình quân những năm gần đây nước ta phải nhập khẩu khoảng trên dưới 3 triệu tấn phân bón các loại. Trong đó, DAP gần 550.000 tấn, Kali trên 560.000 tấn, SA khoảng 750.000 tấn, NPK 350.000 tấn, trị giá vài trăm triệu USD.

 

Những năm gần đây, mặc dù ngành công nghiệp hóa chất và sản xuất phân bón của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc; một loạt các nhà máy sản xuất phân Urea, NPK, DAP được xây dựng và đi vào sản xuất, song hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập ngoại một số lượng lớn phân bón, hóa chất phục vụ cho lĩnh vực sản xuất phân bón từ các nước là không nhỏ.

 

Bộ NN&PTNT cho biết, nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng trên 10 triệu tấn các loại. Trong đó, đạm urue khoảng 2 triệu tấn, DAP khoảng 900.000 tấn, SA 850.000 tấn, Kali 950.000 tấn, phân lân trên 1,8 triệu tấn và phân NPK khoảng 3,8 triệu tấn. Ngoài ra, còn có nhu cầu khoảng 400.000 - 500.000 tấn phân bón các loại là vi sinh, phân bón lá. Tính đến nay, nhập khẩu phân bón chủ yếu là Kali, SA và DAP.

 

Bà Nguyễn Trang Nhung, Công ty C.P Việt Nam cho biết: đối với thị trường ure, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp ure lớn nhất cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng trên 83% (8 tháng 2014). Còn đối với Dap cũng đã và đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Cụ thể, nhập khẩu Dap 8 tháng 2014 là 581,91 nghìn tấn, trị giá 258,63 triệu USD. Trung Quốc là thị trường cung cấp Dap lớn nhất cho Việt Nam, mức thị phần trung bình trong 4 năm gần đây (2010 - 2013) đạt khoảng 85% trung bình năm và 8 tháng đầu năm 2014 là 89,5% trong tổng khối lượng Dap Việt Nam nhập khẩu từ các thị trường

 

Nguyên nhân nhập khẩu phân bón lớn của Trung Quốc chỉ ra là thực tế, hiện cả nước có trên 500 đơn vị sản xuất lớn nhỏ và khoảng 30.000 đơn vị kinh doanh phân bón. Nhưng đầu tư nghiên cứu phân bón tại Việt Nam trong 10 năm trở lại đây chỉ chiếm 0,1% tổng kinh phí cho đầu tư các đề tài khoa học của Bộ NN&PTNT, PGS.Ts. Nguyễn Như Hà, Trưởng bộ môn Nông hóa (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết.

 

Bên cạnh đó, không có hay có rất ít cơ quan và cán bộ chuyên trách quản lý việc sản xuất, kinh doanh và hướng dẫn sử dụng phân bón. Các đơn vị chuyên môn đã được hình thành ở miền Bắc Việt Nam trước đây theo từng vùng sinh thái nhưng nay hầu như không còn tồn tại.

 

Trong khi đó, hệ thống kiểm nghiệm và các tổ chức chứng nhận chất lượng phân bón chưa hoàn chỉnh: năm 2011, Bộ NN&PTNT đã chỉ định được 19 đơn vị khảo nghiệm phân bón, 27 phòng kiểm nghiệm chất lượng phân bón, 9 tổ chức chứng nhận phân bón đào tạo và cấp chứng chỉ cho 1.082 người lấy mẫu phân bón. Nhưng kết quả kiểm nghiệm giữa các phòng vẫn có sự biến động, hiện chưa có phòng kiểm nghiệm chuẩn có thể làm phòng kiểm chứng hay trọng tài, một số đơn vị trả kết quả phân tích vẫn rất chậm trễ không kịp thời để xử lí những vi phạm về chất lượng.

 

Ts. Vũ Thắng, Trung tâm Khảo sát và kiểm nghiệm phân bón quốc gia, Cục Trồng trọt, cho biết nhiều tài liệu nghiên cứu cũng đã chỉ ra hiệu suất sử dụng phân bón của Việt Nam sản xuất hiện nay mới chỉ đạt 45% với phân đạm, 25-30% với phân lân và khoảng 55-60% với phân kali. Đây cũng lí do vì sao phân bón sản xuất ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

 

Theo ông Thắng, “một số nguyên liệu mà Việt Nam phải nhập về để sản xuất sản phẩm nhưng vì công nghệ lạc hậu hơn so với các nước khác. Dẫn đến giá thành sản phẩm sản xuất trong nước còn cao hơn sản phẩm nhập khẩu của nước ngoài. Do vậy, hiện nay chỉ trừ những sản phẩm Việt Nam có mà sản phẩm nước ngoài cũng có thì lúc đó chúng ta mới tính tới yếu tố cạnh tranh, còn lại chúng ta vẫn phải chấp nhận nhập khẩu”.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *