Nguyên Liệu 08/07/2014 18:56

Bộ Công thương: Nhiều doanh nghiệp vẫn phụ thuộc nguồn nguyên liệu Trung Quốc

FICA - Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh lâu dài, bền vững, nguồn nguyên liệu vẫn phụ thuộc vào một số thị trường nhất là Trung Quốc.

Nửa đầu năm, 13 nhóm hàng lọt "câu lạc bộ tỷ Đô"

Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong 6 tháng năm 2014, tuy kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn đạt kết quả tăng trưởng khá. Tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng của nhập khẩu, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt khoảng 70,88 tỷ USD, tăng khoảng 14,9% so với năm 2013, tương đương với 9,19 tỷ USD. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng 32,5%, ước đạt 23,053 tỷ USD, tăng 11,5%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) chiếm tỷ trọng 61,7% ước đạt 43,756 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2013. 

Xuất khẩu tăng trưởng khá ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, 6 tháng đầu năm, cả nước có 13 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Bộ Công thương đánh giá, với việc tiếp tục sử dụng các biện pháp tăng cường kiểm soát để hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng chưa cần thiết hoặc trong nước đã sản xuất được cùng với việc sản xuất và tiêu thụ gặp khó khăn dẫn đến nhiều mặt hàng có khối lượng nhập khẩu giảm so với năm 2013. Mặc dù vậy, vẫn còn có một số mặt hàng có lượng nhập khẩu cao chủ yếu nhập để phục vụ sản xuất trong nước và sản xuất hàng xuất khẩu.

Tốc độ tăng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2014 cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu, cán cân thương mại của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2014 tiếp tục xuất siêu, ước xuất siêu khoảng 1,32 tỷ USD.

Nhìn chung, hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng năm 2014, xuất khẩu hàng hoá tiếp tục duy trì tăng trưởng, xuất khẩu đạt 70,88 tỷ USD, bằng 48,7% kế hoạch năm. Xuất siêu cả nước ước 1,32 tỷ USD, góp phần bảo đảm dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.

Giá và lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản và khoáng sản giảm đã ảnh hưởng đến gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất...

Xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu ở những nhóm mặt hàng do khối các doanh nghiệp FDI sản xuất và là những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ và gia công hơn là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, nhập khẩu và xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng thấp hơn khối doanh nghiệp FDI, điều này cho thấy sản xuất của các doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế.

Tại phiên họp báo thường kỳ diễn ra chiều 7/7, giải đáp những thắc mắc về sự lệ thuộc của thị trường Việt Nam vào xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, từ lâu, các cấp lãnh đạo đã chủ trương việc mở rộng thị trường sang các nước khác như EU, Mỹ, Nhật...

Với việc tiếp tục sử dụng các biện pháp tăng cường kiểm soát để hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng chưa cần thiết hoặc trong nước đã sản xuất được cùng với việc sản xuất và tiêu thụ gặp khó khăn dẫn đến nhiều mặt hàng có khối lượng nhập khẩu giảm so với năm 2013. Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng có lượng nhập khẩu cao, chủ yếu để phục vụ sản xuất trong nước và sản xuất hàng xuất khẩu. 

Đồng thời, theo ông Hải, nếu muốn giảm nhập khẩu thì cần phải đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước. Những năm qua, Bộ Công Thương đã có nhiều chính sách thúc đẩy tiêu dùng trong nước cũng như các hoạt động cụ thể để triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng phối hợp cùng với các Bộ, Ban, ngành tham gia các phiên đàm phán Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP và Hiệp định Thương mại tự do với khối EFTA; xây dựng phương án, tổ chức, tham dự các phiên đàm phán các Hiệp định FTA Việt Nam với EU, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga - Bê-la-rút - Ca-dắc-xtan để mở rộng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Ảnh: Moit.

Giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cải thiện nhiều

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, 6 tháng đầu năm, giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng 5,45%, mức tăng trưởng này cao hơn cao hơn mức 5,19% của cùng kỳ năm 2013, nhưng vẫn ở mức thấp so với mức tăng của các năm 2012 trở về trước. Tăng trưởng ở mức cao vẫn chủ yếu tập trung vào các ngành dệt may, da giày, các ngành lắp ráp ô tô, điện tử,... nên giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cải thiện nhiều; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị chưa đạt yêu cầu phát triển, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu là chủ yếu.

Các doanh nghiệp vẫn chưa chủ động được nhiều trong sản xuất khi mà kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất gia công, lắp ráp vẫn duy trì ở mức tăng cao. Hạ tầng ngành điện lực chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, vấn đề thiếu vốn để đầu tư cho các công trình lưới điện đang là vấn đề căng thẳng, khó thu xếp.

Đầu tư còn dàn trải chưa thể tập trung lớn để thúc đẩy phát triển hạ tầng các ngành công nghiệp mũi nhọn. Việc thiếu vốn vẫn là yếu tố làm hạn chế sự phát triển hạ tầng của ngành công nghiệp, thương mại.

Một số dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã khởi công xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động nên chưa góp phần gia tăng giá trị sản xuất trong nước. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh lâu dài, bền vững, nguồn nguyên liệu vẫn phụ thuộc vào một số thị trường nhất là Trung Quốc nên bị động trước những biến động của thị trường, làm giảm hiệu quả của quá trình sản xuất, kinh doanh.

Bích Diệp

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *