Doanh nghiệp 30/06/2014 15:04

Kinh Đô mua 24% Vocarimex với giá 330 tỷ đồng

FICA - Ngoài Kinh Đô, Vocarimex sẽ có thêm 1 nhà đầu tư chiến lược khác là chứng khoán VPBank với tỷ lệ sở hữu 8%.

Theo Quyết định ngày 12/6/2014 của Bộ Công thương về việc phê duyệt kết quả thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), giá bán cho nhà đầu tư chiến lược bằng giá khởi điểm IPO là 11.300 đồng/cổ phiếu.
 
Tổng số lượng cổ phần bán thỏa thuận cho nhà đầu tư chiến lược là gần 39 triệu đơn vị, tương ứng 32% vốn.
 
Trong đó, Công ty cổ phần Kinh Đô được mua hơn 29,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 330 tỷ đồng. Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) mua 9,7 triệu cổ phần, tương ứng hơn 110 tỷ đồng.
 
Vocarimex, doanh nghiệp nắm cổ phần chi phối tại hàng loạt các doanh nghiệp dầu ăn trong nước, sẽ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 25/7. Giá khởi điểm là 11.300 đồng/cổ phiếu.
 
Theo phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vocarimex có vốn điều lệ 1.218 tỷ đồng. 
 
Nhà nước nắm giữ 36% vốn điều lệ, bán cho người lao động trong doanh nghiệp là 1,07 triệu cổ phần (chiếm 0,88%), bán cho nhà đầu tư chiến gần 39 triệu cổ phần (32%) và bán đấu giá công khai 37,9 triệu cổ phần (31,12%).
 
Theo công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), công ty mẹ của Vocarimex sở hữu 51% cổ phần CTCP Dầu thực vật Tường An (19% thị phần), 49% cổ phần Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè (11% thị phần), 32% cổ phần Công ty dầu thực vật Cái Lân (37% thị phần) và 27% cổ phần CTCP Dầu Thực vật Tân Bình (6% thị phần). 
 
Thị trường dầu ăn Việt Nam có mức tăng trưởng tốt trong nhiều năm qua. Theo Euromonitor, trong 5 năm qua, thị trường dầu ăn và chất béo Việt Nam có mức tăng trưởng hàng năm là 8% về sản lượng (năm 2013 là 7%) và 16% về giá trị (năm 2013 là 12%). Euromonitor cũng dự báo sản lượng trong vòng 5 năm tới sẽ có tăng trưởng hàng năm là 5%.
 

Sáng nay, Kinh Đô đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2014. Để thực hiện chiến lược 10 năm tới đây, ngoài việc mua cổ phần Vocarimex, Kinh Đô sẽ hợp tác toàn diện với Sài Gòn Vewong với thương hiệu nổi tiếng mì gói và bột ngọt A- One để sản xuất mỳ gói. 

Kinh Đô cũng tham gia vào lĩnh vực cà phê với việc nắm cổ phần chi phối Công ty cà phê Phin Deli.

Đồng thời, tiến hành tái cấu trúc theo nguyên tắc gom các công ty cùng ngành hàng về với nhau. Theo đó, Kinh Đô chuyển giao toàn bộ tài sản, lợi ích, các quyền nghĩa vụ liên quan đến kinh doanh bánh kẹo sang CTCP Kinh Đô Bình Dương (BKD).

Sau quá trình tái cấu trúc, Kinh Đô sẽ có các ngành hàng chuyên biệt gồm bánh kẹo, kem sữa, mì gói, dầu ăn, cà phê.. 

 

 

Thục Anh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *