Dòng chảy vốn 30/06/2014 14:42

Những chính sách có hiệu lực từ 1/7

FICA - Từ 1/7, đội mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn sẽ bị phạt tiền từ 100-200 nghìn đồng; siết hoạt động kinh doanh đa cấp; luật đất đai sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực thi hành...

Luật đất đai sửa đổi chính thức có hiệu lực từ 1/7

Nhiều ý kiến đánh giá, Luật Đất đai sửa đổi đã có những tiến bộ, nhất là nội dung thu hồi và đền bù đất. Trong đó, giá đất đền bù được quy định phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, các khu vực liền kề. 

Đồng thời, đặt ra vấn đề là có đơn vị định giá độc lập, là một trong những yếu tố để các cơ quan có quyền định giá làm cơ sở định giá, chứ không phải để tham khảo.

Một trong những điểm mới đáng chú ý là thu hẹp các trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất và cơ bản chuyển sang thuê đất nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. 

Luật Đất đai mới cũng đã thiết lập sự bình đẳng hơn trong việc tiếp cận đất đai giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đảm bảo yêu cầu hội nhập và phù hợp với các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Luật Đất đai năm 2013 cũng bổ sung chế tài xử lý theo hướng chủ đầu tư được tiếp tục được gia hạn thêm 24 tháng và trong thời gian này chủ đầu tư phải nộp thêm một khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian này; sau 24 tháng được chậm tiến độ, nếu vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi đất và không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Đồng thời, Luật cũng đưa ra các quy định để ngăn ngừa phát sinh mới các trường hợp dự án chậm triển khai, để lãng phí đất đai như: quy định việc giao thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm để đảm bảo phù hợp với khả năng đầu tư và huy động nguồn lực của địa phương;

5 Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai có hiệu lực

Từ ngày 1/7, cùng với Luật Đất đai 2013, sẽ có 5 Nghị định hướng dẫn luật này cùng có hiệu lực:

Nghị định 43/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/7 quy định chung về các vấn đề liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các vấn đề về sử dụng đất . Một nội dung đáng lưu ý, theo nghị định, các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng không có giấy tờ nhưng được không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch cũng được cấp giấy tờ nhà đất.

Nghị định này cũng quy định một số ngoại lệ cấp sổ đỏ cho diện tích đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu. Cụ thể, kể từ 1/7, các thửa đất đang sử dụng có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu dưới 30m2 sẽ vẫn sẽ được cấp sổ đỏ.

Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất. Nghị định này quy định phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất; định giá đất cụ thể và hoạt động tư vấn xác định giá đất.

Theo quy định tại Nghị định này, khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất trong khoảng thời gian từ 180 ngày trở lên thì UBND cấp tỉnh sẽ phải điều chỉnh bảng giá đất.

Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định thời hạn nộp tiền sử dụng đất lần đầu tiên (nếu được kéo dài và chia ra 2 đợt) sẽ là 30 ngày từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế (trước đây là 30 ngày kể từ ngày nhận thông báo).

Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, Nghị định này thay thế Nghị định 142/2005/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung; Theo quy định của Nghị định 46 thì tỷ lệ tính đơn giá thuê đất là 1%, trong một số trường hợp đặc biệt, UBND có thể quyết định đơn giá cao hơn (không quá 3%) hoặc thấp hơn (không quá 0,5%)

Nghị định 47/2014/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Theo quy định tại Nghị định này thì Khi Nhà nước thu hồi đất mà người sử dụng không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì vẫn được bồi thường về đất.

Siết chặt quản lý hoạt động bán hàng đa cấp

Từ ngày 1/7/2014 sẽ bắt đầu áp dụng các quy định mới trong Nghị định 42/2014/NĐ-CP để quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo đó, sẽ siết chặt khá nhiều nội dung trong vấn đề quản lý loại hình kinh doanh, đơn cử là việc cấm kinh doanh đa cấp theo mô hình kim tự tháp, Yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo kiến thức cơ bản phải trả tiền hoặc phí, không cam kết nhận lại hàng hóa …

Theo Nghị định 42, nghiêm cấm các doanh nghiệp bán hàng đa cấp yêu cầu người tham gia bán hàng phải đặt cọc, đóng tiền hoặc mua hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.

Cấm cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người tham gia phải tuyển dụng thêm người mới. 

Nghị định cũng quy định doanh nghiệp đăng ký bán hàng đa cấp phải có vốn pháp định là 10 tỷ đồng. Doanh nghiệp phải ký quỹ một khoản tiền bằng 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng tại ngân hàng. 

Đội mũ bảo hiểm rởm bị phạt

Theo Kế hoạch 69 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, từ ngày 15/6, người đi xe máy đội mũ bảo hiểm rởm, mũ bảo hiểm không đạt chất lượng sẽ bị dừng xe để nhắc nhở. Và bắt đầu từ ngày 1/7, các trường hợp đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn tham gia giao thông sẽ chính thức xử phạt theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, từ 1/7 lực lượng chức năng sẽ xử phạt người đi xe máy đội mũ không đủ 3 bộ phận bao gồm: vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động và quai mũ. Mức sử phạt sẽ tương tự như không đội mũ bảo hiểm (từ 100.000 đến 200.000 đồng).

Đại biểu Quốc hội phải tiếp công dân khi có yêu cầu

Ngày 15/05/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Theo đó, từ ngày 1/7, trường hợp công dân yêu cầu gặp đại biểu Quốc hội để trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì đại biểu Quốc hội có trách nhiệm sắp xếp thời gian tiếp công dân; trường hợp chưa thể tiếp công dân được thì đại biểu Quốc hội yêu cầu Văn phòng phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội cử người nhận đơn hoặc hẹn tiếp công dân vào thời gian thích hợp.Việc tiếp công dân của đại biểu Quốc hội được thực hiện tại trụ sở tiếp công dân tỉnh hoặc nơi do Đoàn đại biểu Quốc hội bố trí.

Đại biểu Quốc hội phải thực hiện việc tiếp công dân theo lịch đã được công bố; trường hợp không thể tham gia tiếp công dân theo lịch, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm báo cáo với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để điều chỉnh lịch; đồng thời dự kiến thời gian cụ thể thực hiện việc tiếp công dân.

10 trường hợp đăng ký biến động được cấp sổ đỏ

Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có hiệu lực thi hành từ ngày 5/7.

Theo đó, quy định 10 trường hợp đăng ký biến động được cấp sổ đỏ gồm: Hợp thửa, tách thửa; chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất; người thuê, thuê lại quyền sử dụng đất của nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng một phần diện tích đất, tài sản gắn liền với đất trên GCN đã cấp cho đất đã tách thửa hoặc hợp nhất; thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, vợ và chồng hoặc của nhóm người cùng sở hữu, sử dụng; chứng nhận bổ sung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên thửa đất đã được cấp GCN và thay đổi toàn bộ các thông tin thửa đất do đo đạc lập bản đồ địa chính...

Học thạc sĩ chỉ từ 1 - 2 năm 

Theo thông tư 15/2014/TT-BGDĐT ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7, thời gian đào tạo trình độ Thạc sĩ chỉ tối thiểu 1 năm học đối với những ngành, chuyên ngành mà ở trình độ đại học có thời gian đào tạo từ 5 năm học trở lên.

Theo quy định, thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ có thời gian từ từ 1 đến 2 năm học; thời gian tối thiểu 1 năm học được áp dụng đối với những ngành, chuyên ngành ở trình độ đại học có thời gian đào tạo từ 5 năm học trở lên và khối lượng kiến thức tích lũy được từ 150 tín chỉ trở lên; thời gian từ 1,5 - 2 năm học áp dụng đối với những ngành, chuyên ngành còn lại.

Việc tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ được tổ chức tối đa 2 lần/năm và thực hiện theo phương thức thi tuyển đối với người Việt Nam; xét tuyển đối với người nước ngoài có nguyện vọng học thạc sĩ tại Việt Nam.

 

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *