Chứng Khoán 02/06/2014 11:49

Thanh khoản thấp, VN-Index đảo chiều mất hơn 5 điểm

FICA - Dòng tiền chảy vào thị trường nhỏ giọt trong sáng đầu tuần. Hầu hết bluechips giảm giá, sắc đỏ bao phủ hai sàn và đã khiến cả hai chỉ số đều diễn biến tiêu cực.

VN-Index bất ngờ quay đầu giảm vào giữa phiên giao dịch sáng 2/6.

Đạt được mức 563,12 điểm lúc 10 giờ 33 phút, tuy nhiên, ngay sau đó, đồ thị VN-Index bị bẻ ngoặt, đánh rơi liền 5,43 điểm vào cuối phiên sáng tương ứng giảm 0,97% về 556,59 điểm. Trên sàn HoSE, số mã giảm lên tới 142 mã, trong khi chỉ có 44 mã tăng giá.

HNX-Index mất 0,69 điểm tương ứng 0,91% còn 75,11 điểm do 101 mã bị giảm giá trên sàn, và chỉ có 35 mã tăng giá.

Thanh khoản thị trường ở mức thấp. Sáng đầu tuần, chưa tới 600 tỷ đồng đổ vào HoSE với 39,3 triệu cổ phiếu được giao dịch. HNX cũng chỉ có 27,66 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng và thu hút về 24,95 tỷ đồng.

Ngoại trừ VNM tăng điểm 1.000 đồng thì hầu hết các mã vốn hóa lớn đều giảm, lấy đi của VN30-Index 7,64 điểm tương ứng mất 1,24%. MSN mất 1.500 đồng, VIC, DHG, GAS cùng mất 1.000 đồng, HPG mất 500 đồng, HAG mất 300 đồng, BID và BVH mất 200 đồng.

Kể cả những mã có thanh khoản cao nhất trên sàn cũng đỏ điểm. FLC khớp 7,1 triệu cổ phiếu nhưng vẫn mất 200 đồng. Tương tự với ITA, SSI, STB, HAG...

Trong khi nhà đầu tư nội bán ra thì khối ngoại mua vào 224,93 nghìn cổ phiếu HAG, mua 214,5 nghìn cổ phiếu GAS; mua 209,76 nghìn cổ phiếu ITA; 195,92 nghìn cổ phiếu DPM và 101,64 nghìn cổ phiếu VCB...

Trên HNX, PVX đang cầm cự mức tham chiếu mặc dù thanh khoản đạt 6 triệu đơn vị. SCR, KLS, SHB, SHS khớp lệnh cao hơn so với mức chung thị trường nhưng vẫn chấp nhận giảm giá.

Khối ngoại mua ròng xấp xỉ 140 nghìn cổ phiếu SHB và mua ròng khoảng 120 nghìn cổ phiếu PVS. Hai mã này giao dịch khá mạnh nhưng vẫn bị áp lực bên bán áp đảo.

Trong báo cáo sáng nay, khi nhìn nhận về vụ việc biển Đông, Chứng khoán Vietcombank đánh giá rằng, có thể trong ngắn hạn (Quý 2), nền kinh tế chưa bị ảnh hưởng quá nhiều bởi sự kiện này. Tuy nhiên về trung và dài hạn, căng thẳng ở biển Đông kết hợp với việc giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc được đánh giá sẽ có tác động xấu nhất định lên nền kinh tế Việt Nam do giá trị giao thương giữa hai nước là khá lớn khi so sánh với GDP của Việt Nam (khoảng 30%, theo số liệu năm 2013). 

Chính vì vậy, theo VCBS, nhiều khả năng mục tiêu tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm cũng như cả năm 2014 sẽ khó đạt được. Việt Nam có thể sẽ gặp phải một số khó khăn khi rủi ro từ nhiều phía tác động tiêu cực lên nền kinh tế, đặc biệt là chịu ảnh hưởng từ sự kiện Biển Đông và sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc. 

Theo đó, các nhà đầu tư được khuyến nghị vẫn nên thận trọng theo dõi sát các sự kiện liên quan đến những vấn đề kể trên và chỉ nên mua dần tại các vùng giá điều chỉnh và hợp lý trong các phiên tiếp theo đối với các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, triển vọng sáng và hoạt động sản xuất kinh doanh ít chịu ảnh hưởng bởi sự kiện biển Đông. 


Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *