Tiền và Hàng 26/11/2013 20:53

Xăng dầu vẫn lỗ, không giảm giá bán

FICA - Đối với các mặt hàng xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối vẫn lỗ khoảng 48 - 797 đồng/lít, kg. Trong đó, mặt hàng xăng RON 92 còn lỗ 278 đồng/lít.

Ngày 26/11, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối về điều hành kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới trong thời gian gần đây; trên cơ sở nguyên tắc tính toán giá cơ sở theo các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, Thông tư số 234/2009/TT-BTC thì chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở bình quân 30 ngày từ ngày 27/10/2013 đến ngày 25/11/2013, đối với các mặt hàng xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối vẫn lỗ khoảng 48 - 797 đồng/lít, kg. Trong đó, mặt hàng xăng RON 92 còn lỗ 278 đồng/lít.



Trên cơ sở chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở theo tính toán như trên, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tiếp tục giữ ổn định giá bán; mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá; lợi nhuận định mức đối với các mặt hàng xăng, dầu điêzen, dầu hỏa như hiện hành.

Đối với mặt hàng dầu madut: Giữ ổn định giá bán như hiện hành đồng thời ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá (từ 200 đồng/kg xuống 0 đồng/kg).

Thời điểm thực hiện ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng dầu madut từ: 17 giờ 00 phút  ngày 26/11/2013.

Về điều hành giá xăng dầu, mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), khẳng định điều hành giá xăng dầu trong nước vừa qua được thực hiện bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và góp phần cân đối ngân sách nhà nước.

Về dư luận cho rằng việc điều hành giá xăng dầu trong nước tại một số thời điểm chưa sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu trong nước phải căn cứ vào giá cơ sở (công thức tính, chu kỳ tính giá, tần xuất điều chỉnh giá).

Do vậy vừa qua, mặc dù giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp trong nhiều thời điểm xu hướng tăng là chủ yếu và dao động ở mức cao, nhưng giá bán xăng dầu trong nước đã không phải điều chỉnh tăng hoặc tăng ở mức độ kiềm chế thay vào đó Nhà nước bình ổn giá thông qua các công cụ tài chính nhằm giữ ổn định, không tăng giá hoặc không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế xã hội, đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *