Tiền và Hàng 26/11/2013 16:58

Tồn kho hơn 100.000 tấn đường

FICA - Lượng đường tồn kho tại các nhà máy đến ngày 15/11/2013 là 103.580 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 16.280 tấn.

Theo Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến ngày 15/11/2013  đã có 14 nhà máy vào vụ sản xuất 2013-2014, các nhà máy 9 đã ép được 1.108.000 tấn mía, sản xuất được 91.800 tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép giảm 154.000 tấn, lượng đường sản xuất giảm 6.900 tấn.

Lượng  đường tồn  kho tại các nhà máy  đến ngày 15/11/2013 là 103.580 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 16.280 tấn. Lượng  đường các nhà máy bán ra từ 15/10/2013  đến 15/11/2013 là 118.020 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 44.020 tấn. Lượng  đường bán ra tăng do các đơn vị thương mại
tiếp tục xuất khẩu đường sang Trung Quốc.

Hiện, giá bán đường trắng loại I đã có thuế VAT tại kho nhà máy ở khu vực miền Nam khoảng 14.000 đến 14.500 đ/kg, khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên khoảng 15.000 đ/kg. Giá mía 10 CCS tại ruộng ở Nước Trong (Tây Ninh): 1.000.000 đ/tấn,  Đồng bằng sông Cửu Long: 850.000  đ/tấn, Sơn Dương: 900.000 đ/tấn.  

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng dẫn thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, đến hết tháng 10/2013 các doanh nghiệp đã nhập khẩu được 20.000 tấn đường trong tổng số 73.000 tấn đường Bộ Công Thương đã cấp quota nhập khẩu.

Về nhập khẩu đường, mới đây Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai có đề nghị Cho phép nhập khẩu 30.000 tấn đường từ Lào về tinh luyện rồi tái xuất sang Trung Quốc. Đề nghị này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) khi cho rằng nếu công ty này nhập khẩu đường thô vào sẽ giết nông dân và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp mía đường trong nước, bởi hiện giá thành sản xuất đường ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước.

Tại phiên trả lời hôm 19/11, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương trên cơ sở xem xét kỹ đề nghị của Tập đoàn này và điều kiện sơ chế của doanh nghiệp trong nước.

Theo tính toán của Bộ trưởng Cao Đức Phát, tổng lượng của niêm vụ này 1,870 triệu tấn, ước tiêu thụ trong nước khoảng 320.000 tấn. Theo đó, Việt Nam dư khoảng 500.000 tấn.

Trong bối cảnh này, “nhập khẩu đường chỉ trong trường hợp là bắt buộc theo cam kết quốc tế. Còn các nhập khẩu khác ảnh hưởng đến tiêu thụ đường trong nước là không nên”, Bộ trưởng khẳng định.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *