Tiền và Hàng 11/07/2015 07:12

Việt Nam đứng Top 3 nước có thị trường điện cạnh tranh nhất ASEAN

FICA - Với lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh mà chúng ta đang triển khai thì Việt Nam đang là nước thứ 3 trong khu vực, sau Singapore và Philippines đã triển khai thành công thị trường điện cạnh tranh.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) tại buổi tọa đàm trực tuyến “Điều hành giá điện theo cơ chế thị trường” diễn ra chiều ngày 10/7, tại Bộ Công Thương.

 

Việt Nam đứng Top 3 nước có thị trường điện cạnh tranh nhất ASEAN
Ông Nguyễn Anh Tuấn (ngồi giữa) cho biết, hiện Việt Nam đang là 1 trong 3 nước có thị trường điện cạnh tranh nhất ASEAN

 

Đặc biệt, ông Tuấn còn nhấn mạnh, nếu với lộ trình triển khai theo đúng kế hoạch thì sắp tới Việt Nam sẽ là một trong những nước đi đầu châu Á về triển khai thành công thị trường điện cạnh tranh. Và trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có kế hoạch triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo đúng lộ trình do Chính phủ đã quy định.

 

Trước đó, theo quy định xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh đã được quy định tại Luật Điện lực và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 thị trường điện Việt Nam sẽ phát triển theo 3 cấp độ. Cấp độ thứ nhất là từ năm 2012 đến năm 2015,  sẽ triển khai thị trường phát điện cạnh tranh, các đơn vị phát điện sẽ cạnh tranh nhau để bán điện cho đơn vị mua duy nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

 

Giai đoạn 2016 đến năm 2021, sẽ thực hiện Thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Giai đoạn này cấp độ sẽ cao hơn giai đoạn phát điện cạnh tranh ở chỗ lúc này tham gia thị trường điện ngoài các đơn vị phát điện còn có các khách hàng lớn. Và các đơn vị phát điện ngoài bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì được cạnh tranh trực tiếp và bán điện cho các Tổng công ty Điện lực và các khách hàng sử dụng điện.

 

Với tiến độ thực hiện này, ông Tuấn khẳng định, dự kiến chúng tôi sẽ triển khai thực hiện trong thời gian từ năm 2016 - 2019 sẽ chính thức thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Và từ năm 2021, sẽ triển khai Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, theo đó, tất cả các khách hàng sử dụng điện kể cả các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt đều có quyền tự do lựa chọn người bán.

 

Tuy nhiên, một câu hỏi nghi vấn đặt ra là liệu rằng, ngành điện có thực hiện như mục tiêu được không? Bởi theo nhiều chuyên gia, dù có kết quả song chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp, người tiêu dùng và thị trường.

 

Như năm 2015 sẽ đánh dấu bước phát triển mới của thị trường điện cạnh tranh, đó là triển khai giai đoạn 2 - thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Để thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam (VCGM) trở thành một “sân chơi” thực sự sôi động, cạnh tranh, thu hút tất cả các nhà máy điện trực tiếp tham gia thì phía trước vẫn còn nhiều thách thức.

 

Trong báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), hiện tham gia VCGM đã có hơn 50 đơn vị, chiếm gần 43% công suất toàn hệ thống điện. Tiềm năng của điện tái tạo của Việt Nam như điện mặt trời, điện gió là rất lớn nhưng do giá thành bán buôn thấp, chi phí đầu tư cao, cải thiện thị trường điện cạnh tranh chậm chạp khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà.

 

Theo CIEM, tỷ lệ trên là chưa cao và tăng chậm sẽ làm giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong vận hành thị trường điện. Việc mở rộng đối tượng tham gia VCGM đối với các nhà máy điện còn lúng túng... Làm thế nào để gia tăng hiệu quả VCGM, tạo động lực cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm thành công trong năm 2015 là câu hỏi đặt ra cho tất cả các bên liên quan cùng các đơn vị tham gia, trong đó có EVN.

Nguyễn Tuyền
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *