Tiền và Hàng 24/01/2015 10:50

Vật liệu xây dựng cạnh tranh "không nổi" với hàng nhập Trung Quốc

FICA - Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trong nước còn yếu dẫn đến việc cạnh tranh không hiệu quả với các sản phẩm tương tự được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong vài năm trở lại đây, do thị trường bất động sản đóng băng và các chi phí đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng đang gặp rất nhiều khó khăn như lượng tồn kho lớn, chi phí vận tải tăng… Bên cạnh đó các doanh nghiệp trong nước còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài.

Để giải quyết khó khăn này, các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, các chủ đầu tư và thi công các công trình xây dựng có xu hướng liên kết với nhau để tìm ra giải pháp thoát khó. Sự liên kết này một mặt có thể giúp các doanh nghiệp cải thiện khả năng tiêu thụ sẳn phẩm, tiết kiện chi phí sản xuất nhưng mặt khác cũng tiềm ẩn nguy cơ vi phạm các quy định của pháp luật cạnh tranh.

Tại Hội thảo “Cạnh tranh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng – Kinh nghiệm Nhật Bản” diễn ra mới đây, Lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành vật liệu xây dựng đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam định hướng trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Cụ thể, bên cạnh việc cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển đất nước, ngành vật liệu xây dựng còn đóng vai trò thúc đẩy các nghành công nghiệp khác cùng phát triển như ngành cơ khí, giao thông, khai khoáng…

Theo bà Trần Phương Lan, Trưởng phòng giám sát và quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh sau khi tiến hành phân tích môi trường cạnh tranh trong ngành vật liệu xây dựng có thể thấy, hành lang pháp lý cho hoạt động cạnh tranh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng đã được ban hành đầy đủ, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp tham gia thị trường ;

Tuy nhiên, cạnh tranh trên thị trường vật liệu xây dựng còn khá thấp do số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh trên thị trường ít ; Hiện tại, các hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh chưa xuất hiện trên thị trường này.

Về phía Bộ Xây dựng, ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho biết, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trong nước còn yếu dẫn đến việc cạnh tranh không hiệu quả với các sản phẩm tương tự được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp trong nước cũng cần có kế hoạch liên kết, phối hợp trong sản xuất kinh doanh để nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình đồng thời cũng cần chú ý tuân thủ pháp luật cạnh tranh.

Cũng trong chương trình Hội thảo, ông Hiroyuki Yamashita - Chuyên gia của Ủy ban Thương mại Lành mạnh Nhật bản (JFTC) cũng khẳng định vai trò của cơ quan quản lý cạnh tranh trong việc đảm bảo môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng.

Kết thúc hội thảo, Lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh nhấn mạnh một mặt cần có cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý ngành vật liệu xây dựng và cơ quan cạnh tranh nhằm giám sát hoạt động cạnh tranh để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp vật liệu xây dựng, mặt khác các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt được những hành vi của các doanh nghiệp khác có khả năng gây hạn chế cạnh tranh.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *