Tiền và Hàng 10/01/2014 07:25

Xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sau nhiều năm đứng vị trí thứ hai thì năm 2013 đã phải xuống vị trí thứ ba sau Ấn Độ và Thái Lan.

Dự báo tình hình xuất khẩu gạo năm 2014 sẽ tiếp tục khó khăn, vì vậy, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2014 sẽ khuyến khích xuất khẩu cả chính ngạch và thương mại biên giới (tiểu ngạch). Tuy nhiên, việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch phải được quản lý chặt chẽ.

Xuất khẩu gạo năm 2013 của Việt Nam giảm cả lượng và giá trị khi chỉ xuất được 6,681 triệu tấn, giảm 1,038 triệu tấn (13,45%), thu về 2,893 tỷ USD theo giá FOB (giảm hơn 16%). Giá xuất khẩu bình quân 433,07 USD/tấn, giảm 13,79 USD/tấn so với cùng kỳ. Theo VFA, dù 6 tháng đầu năm xuất khẩu tăng vượt mức kỷ lục nhưng những tháng cuối năm, Indonesia không nhập khẩu, Philippines và Malaysia giảm nhập khẩu đã kéo xuất khẩu cả năm xuống thấp.

Tuy nhiên theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, dù xuất khẩu gạo năm 2013 giảm nhưng đã đạt được mục tiêu là tiêu thụ hết hàng hóa trong dân và giá lúa gạo trong nước ổn định, nông dân có lãi. Tuy vậy, xuất khẩu gạo năm 2013 vẫn tồn tại nhiều vấn đề như lượng hợp đồng bị hủy so với đăng ký quá lớn, đến hơn 50%; tình trạng cạnh tranh giá bằng cách hạ chất lượng giữa các doanh nghiệp vẫn còn tồn tại làm ảnh hưởng đến uy tín của gạo Việt Nam.

Năm 2014, dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đều cho thấy tỷ lệ tiêu thụ tăng cao hơn sản lượng, tuy nhiên lúa gạo thế giới vẫn ở tình trạng cung cấp thừa và giá tiếp tục sụt giảm do áp lực bán hạ giá để xả hàng tồn kho từ Thái Lan. Theo ông Trương Thanh Phong, rất khó để đưa ra một dự đoán xa cho thị trường 2014, tuy nhiên nhận định chung thì năm 2014 sẽ "cực kỳ khó khăn", do dư thừa lớn, cạnh tranh thị trường khốc liệt và đặc biệt nghiêm trọng là giá có khả năng giảm sâu hơn. VFA dự kiến năm 2014 xuất khẩu 6,5 đến 7 triệu tấn sẽ tiêu thụ hết và kịp thời lúa gạo hàng hóa của người nông dân.

Năm 2013, Châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm lượng lớn xuất khẩu cả chính ngạch và tiểu ngạch. Năm 2013 xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc ước đạt khoảng 1,4 đến 1,5 triệu tấn, tăng đột biến so với 2012 (năm 2012 khoảng 400.000 tấn). Theo VFA, xuất khẩu tiểu ngạch tăng vọt do giá gạo giao tại biên giới cao hơn giá mua xuất khẩu trong nước dù chất lượng sản phẩm thấp hơn. Các thương nhân Trung Quốc cũng thích hình thức thương mại này vì không cần quota và đóng thuế, lãi cao hơn nhập khẩu chính thức. Theo VFA, năm 2014 các nước Châu Á, và nhất là Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, cả ở chính ngạch và thương mại qua biên giới.

Theo ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (tỉnh Bến Tre), trong tình hình nguồn cung thế giới dư thừa thì thương mại biên giới là một lợi thế của Việt Nam, nhất là đối với thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu qua biên giới bù đắp cho xuất khẩu chính ngạch nên dù năm nay xuất khẩu giảm nhưng nếu cộng cả phần xuất khẩu tiểu ngạch thì lượng xuất khẩu vẫn đạt hơn 8 triệu tấn, góp phần tăng lượng tiêu thụ lúa gạo trong nước. Chính vì vậy, Nhà nước cần có chủ trương chính sách quản lý tốt để thúc đẩy loại hình thương mại này phát triển, đặc biệt là việc xác định số liệu xuất khẩu tiểu ngạch để điều hành xuất khẩu gạo.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đồng tình khuyến khích phát triển thương mại biên giới, tuy nhiên cần quản lý chặt chẽ loại hình thương mại này. Ông Trương Thanh Phong cũng khẳng định, thương mại biên giới là tốt và không có lý do gì ngăn cấm. Tuy nhiên, hoạt động mua bán không chính thức qua biên giới luôn tiềm ẩn rủi ro. Thương nhân Trung Quốc mua gạo Việt Nam qua đường tiểu ngạch, thường khá dễ dãi về mặt chất lượng, điều này sẽ làm cho chất lượng gạo qua biên giới kém, về lâu dài sẽ làm giảm uy tín gạo Việt Nam.

Mặt khác gian lận thương mại như trốn thuế VAT… cũng thường xảy ra với loại hình kinh doanh này, gây thất thu cho Nhà nước và bất bình đẳng với các doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch... Vì vậy để phát triển thì cần phải có cơ chế quản lý phù hợp, và hiện chúng ta vẫn chưa kiểm soát tốt loại hình thương mại này. Ông Trương Thanh Phong cho biết, VFA đã đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương cùng phối hợp kiểm tra thương mại qua biên giới và nhanh chóng có cơ chế kiểm soát hiệu quả việc xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch.

Theo Đặng Loan

Hà Nội mới

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *