Tiền và Hàng 04/06/2015 10:35

Sữa, bánh kẹo… “vô địch” về khiếu nại tiêu dùng

FICA - Trong quý I/2015, nhóm hàng tiêu dùng thường ngày như sữa, bánh kẹo, nước giải khát, đồ gia dụng; nhóm điện thoại, viễn thông; thiết bị điện tử gia dụng…là những mặt hàng có khiếu nại của người tiêu dùng nhiều nhất phản ánh lên Bộ Công Thương.

Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Cục Quản lý Cạnh tranh (thuộc Bộ Công Thương), trong quý I/2015, nhóm hàng tiêu dùng thường ngày như sữa, bánh kẹo, nước giải khát, đồ gia dụng… là nhóm có nhiều yêu cầu tư vấn khiếu nại của người tiêu dùng nhất, chiếm đến 28% tổng số vụ việc được phản ánh lên Bộ Công Thương.

Tiếp đến là nhóm điện thoại, viễn thông (sản phẩm điện thoại, dịch vụ viễn thông) với tỷ lệ 17%; thiết bị điện tử gia dụng (tủ lạnh, ti vi, máy lọc nước…) với 11%.

Các nhóm hàng hóa về làm đẹp, sức khỏe như thuốc, thực phẩm chức năng, thiết bị chăm sóc sức khỏe, làm đẹp…; nhóm dịch vụ vận tải, phương tiện vận tải và dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cũng có số lượng khiếu nại và yêu cầu tư vấn của người tiêu dùng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2014.

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, điều này cho thấy, trong thời gian tới cần tập trung chú ý vào những nhóm hàng này nhằm phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các xu hướng mới vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Cục Quản lý Cạnh tranh dẫn chứng, điển hình như trường hợp người tiêu dùng (NTD) A sử dụng dịch vụ truyền hình cáp của công ty X. Trong quá trình sử dụng, tín hiệu bị chập chờn. Khi đề nghị công ty xuống sửa chữa thì được thông báo phải trả chi phí. NTD bức xúc vì mới sử dụng dịch vụ được một thời gian ngắn, hơn nữa lỗi tín hiệu là do phía công ty, không phải lỗi của NTD, nên việc trả phí kiểm tra, sửa chữa là vô lý.

Hay như vụ việc liên quan tới vấn đề bảo hành sản phẩm, NTD A phát hiện điện thoại di động bị trục trặc phần âm thanh (sản phẩm vẫn còn trong thời hạn bảo hành). Sau khi bảo hành và lại sản phẩm từ nhân viên của cửa hàng, NTD phát hiện camera chụp ảnh có vấn đề và đã thông báo lại cửa hàng. Cửa hàng tiếp tục nhận lại máy để bảo hành.

Sau lần bảo hành thứ hai, máy vẫn bị hiện tượng mờ camera. Lần này, nhân viên yêu cầu người tiêu dùng trả chi phí thì mới sửa chữa. Sau khi được tư vấn pháp luật từ Tổng đài, người tiêu dùng đã chủ động liên hệ với Ban lãnh đạo của cửa hàng để phản ánh về dịch vụ và thông tin tư vấn của nhân viên tại Cửa hàng. Lãnh đạo cửa hàng sau đó đã đồng ý sửa camera miễn phí cho NTD.

Lại có trường hợp NTD mua điện thoại Asus Zenphone 6 tại cửa hàng điện máy. Trong thời hạn bảo hành, điện thoại bị hư và NTD đã đem điện thoại đến bảo hành tại Trung tâm bảo hành của hãng. Trung tâm bảo hành kết luận lỗi này không thể sửa được và viết giấy yêu cầu cửa hàng điện máy đổi máy mới hoặc trả lại tiền cho khách hàng, nhưng cửa hàng điện máy từ chối yêu cầu này. Sau khi thụ lý đơn khiếu nại, Cục Quản lý Cạnh tranh đã có công văn yêu cầu doanh nghiệp tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của NTD theo đúng quy định pháp luật. Sau khi nhận yêu cầu doanh nghiệp đã hoàn lại tiền cho NTD.

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *