Tiền và Hàng 03/06/2015 09:35

Người Việt tiếp tay thương lái TQ lừa người Việt: Vì tiền?

Vì lợi nhuận, không ít người Việt tiếp tay cho thương lái Trung Quốc lừa đồng bào. Nó cho thấy sự thất bại trong quản lý của Nhà nước.

Một số chuyên gia đã nhận định như vậy khi trao đổi về tình trạng mua bán bất thường của thương lái Trung Quốc tại nhiều địa phương, gây thiệt hại lớn cho người nông dân.

Hám lợi, gây hại cho cả đồng bào

 

Theo phản ánh của nhiều địa phương, trong các vụ việc mua bán bất thường, thương lái Trung Quốc thường đi cùng với thương lái Việt hoặc thông qua thương lái Việt để thu mua những mặt hàng dị biệt với giá cả đột biến, sau đó lặn mất tăm khiến người nông dân và các doanh nghiệp, đại lý ôm "trái đắng".

 

Nhận xét về tình trạng này, các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp đều cho rằng, thương lái Trung Quốc đã lợi dụng sự hám lợi của người Việt để lừa đảo nông dân.

 

"Thương lái Việt Nam chỉ biết lợi cho mình, không có tâm gì với dân, với nước nên khi được cho tiền là răm rắp làm theo. Người ta thường nói "bọn thương lái" là vì vậy. Nó cũng tương tự như chuyện hàng giả, hàng dởm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đều là do thương lái Việt tiếp tay cho thương lái Trung Quốc mang về. Chỉ cần thương lái Trung Quốc tập hợp những mặt hàng kém chất lượng, không xuất đi đâu được ở biên giới, hàng ngày, đội quân cửu vạn của Việt Nam sẽ qua đó, mỗi người một, hai trăm kg vác về", GS.TS Võ Tòng Xuân chỉ rõ.

 

Thương lái Trung Quốc từng thông qua thương lái Việt Nam ở miền Tây thu mua banh lông, loài vốn không có giá trị kinh tế với giá cao ngất ngưởng để người dân đổ xô sắm ngư cụ đánh bắt sau đó biến mất
Thương lái Trung Quốc từng thông qua thương lái Việt Nam ở miền Tây thu mua banh lông, loài vốn không có giá trị kinh tế với giá cao ngất ngưởng để người dân đổ xô sắm ngư cụ đánh bắt sau đó biến mất

PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Đại học Cần Thơ cho rằng, đây là một hình thức lách luật của thương lái Trung Quốc bởi theo quy định của Việt Nam, thương lái nước ngoài không được trực tiếp thu mua nông sản của nông dân mà phải thông qua đại lý doanh nghiệp. Bởi thế, thương lái Trung Quốc mượn tay người Việt để phá hoại kinh tế.

 

Ông Đệ dẫn câu chuyện về chuỗi giá trị khoai lang mà ông đã từng nghiên cứu ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Theo đó, khoai lang chủ yếu được bán sang Trung Quốc, thương lái Trung Quốc không đứng ra ký hợp đồng mà mượn tay của nông dân tại vùng nguyên liệu thu mua với giá cả hấp dẫn. Người Trung Quốc đặt cọc khoảng 30% giá trị của lô hàng và người dân nhìn thấy số tiền lớn thì tin rằng người Trung Quốc làm ăn đàng hoàng, liền hối thúc người này người kia trồng khoai, làm đầu mối thu mua.

 

Nếu kinh doanh có lãi, thương lái Trung Quốc sẽ mua nhưng 70% số tiền còn lại họ trả chậm theo kiểu "đầu heo nấu cháo" và người dân làm đầu mối kia cũng nợ lại những người nông dân khác. Ngược lại, nếu làm ăn không có lời, thương lái Trung Quốc sẽ lặn mất tăm, 70% số tiền còn lại coi như mất trắng.

 

"Lãnh đạo huyện từng trao đổi với tôi rằng, những chuyện như thế không thể xử lý được vì người dân không ký kết hợp đồng. Ngay cả địa chỉ của thương lái Trung Quốc cũng không ai biết, họ chỉ để lại số điện thoại, khi còn làm ăn thì giữ, không làm ăn thì đổi số khác, chẳng biết ở đâu mà tìm", PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ chia sẻ.

 

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) thẳng thắn, trong hàng loạt vụ thu mua nông sản của thương lái Trung Quốc, đối với người dân, doanh nghiệp là vấn đề tiền, lợi ích ngắn hạn, thậm chí không loại trừ trường hợp một số thương lái người Việt làm tay sai thực thụ, không chỉ vì mục đích kinh tế. Tuy nhiên, đối với cơ quan nhà nước, những vụ việc trên cho thấy sự thất bại của Nhà nước trong quản lý và chính sách nuôi dưỡng, tổ chức doanh nghiệp.

 

"Cả một bộ máy lớn nhưng không giao ai quản lý, chính sách không rõ ràng, cứ nói nguyên tắc nhưng không chỉ rõ thu mua thế nào, doanh nghiệp là ai, thương mại là ai... Nhà nước cũng không tổ chức được một hệ thống doanh nghiệp lớn để làm công việc thu mua, bán hàng. Đáng lý ra những doanh nghiệp ấy phải là doanh nghiệp tư nhân, được Nhà nước hỗ trợ để làm ăn chuyên nghiệp, lâu dài, có khả năng cạnh tranh, chi phối thị trường. Bởi không làm được việc này nên cuối cùng thương lái Trung Quốc có chút tiền mang sang tự tung tự tác".

 

Đồng quan điểm, GS.TS Võ Tòng Xuân cũng nhấn mạnh, thiệt hại từ những vụ mua bán bất thường của thương lái Trung Quốc phải do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước tiên. Chính quyền đã quản lý không chặt chẽ, để nông dân muốn trồng, muốn chặt thế nào cũng được, ai tới mua cứ mua, không mua cũng chẳng làm gì.

 

Phải tự bảo vệ mình

 

Bởi sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương nên người nông dân trước tiên phải tự bảo vệ lấy mình, GS.TS Võ Tòng Xuân chỉ rõ. Theo đó, "dù bà con rất cần đầu ra nhưng không phải bất cứ ai đến mua cũng đều bán. Nếu mua theo hợp đồng thì bán, còn không có hợp đồng thì phải kiên quyết từ chối".

 

Về phía địa phương, vị chuyên gia nông nghiệp cho rằng, chính quyền phải yêu cầu thương lái có hợp đồng đàng hoàng, làm rõ lý do thu mua các mặt hàng không giống ai, xác nhận tung tích của thương lái người Việt để nếu thương lái Trung Quốc không xuất hiện thì thương lái Việt phải chịu trách nhiệm, nếu không cuối cùng chỉ có người dân phải gánh chịu hậu quả.

 

PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ cũng đồng tình việc phải bổ sung quy định xử lý những người tiếp tay cho thương lái Trung Quốc làm hại đồng bào mình. Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu tiểu ngạch, ông Đệ đặc biệt lưu ý các đại sứ quán của Việt Nam tại nước ngoài cần hỗ trợ kiểm tra từ gốc các doanh nghiệp muốn làm ăn ở Việt Nam.

 

Nhìn nhận thực tế người Việt phải cảnh giác với chính người Việt, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại Nguyễn Văn Nam nhận định: "Bất kỳ chính sách quản lý nào cũng có đúng có sai, nếu anh có quy tắc rõ ràng thì người ta kiểm soát nhau, cảnh giác nhau làm gì, đằng này anh quản lý không có nguyên tắc nào cả. Thử hỏi người Việt Nam sang Trung Quốc có được tự do luồn lách mọi nơi, đặt hàng mua bán được như thương lái Truung Quốc ở Việt Nam hay không?".

 

Theo Thành Luân
Đất Việt
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *