Tiền và Hàng 26/12/2014 08:37

Phó Thủ tướng: Tư duy giá rẻ, bao cấp vô cùng nguy hiểm!

Các hành vi bơm tạp chất vào tôm, bơm nước vào thịt gia súc sẽ bị xử nghiêm.

Tại buổi họp báo tổng kết năm 2014 của ngành nông nghiệp diễn ra chiều 25-12, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh năm 2015, Bộ sẽ lấy chủ đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp làm trọng tâm. Ngành nông nghiệp hiện nay đã bảo đảm được cung cấp số lượng các loại thực phẩm cho người dân và tiêu dùng trong nước; tuy nhiên chất lượng nông sản vẫn chưa được cải thiện và đáp ứng yêu cầu của nhân dân.
 

Sẽ quyết liệt quản lý chất cấm

Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM về việc thời gian qua một số thương lái, trong đó có thương lái Trung Quốc thu mua và bơm tạp chất vào tôm làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như uy tín của con tôm Việt Nam trên thị trường, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng việc bơm tạp chất vào tôm là hành vi gian lận thương mại. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị, Bộ đã có giải pháp để ngăn chặn nhưng vẫn còn tình trạng này. Hiện nay Bộ đang phối hợp các ngành, địa phương tăng cường quản lý; thay đổi cách kiểm soát, gia tăng kiểm soát mua bán ở biên giới, ngăn chặn gian lận thương mại, giảm tới mức tối thiểu hành vi gian lận này. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an kiên quyết xử lý các đối tượng bơm tạp chất.

Các cơ quan chức năng đang xử lý một vụ bơm tạp chất vào tôm ở Bạc Liêu. Ảnh: BL

Ngoài ra tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho biết tình trạng bơm tạp chất, chất cấm không chỉ diễn ra với thủy sản mà còn với các mặt hàng nông sản, gia súc khác. Chất cấm được đưa vào chăn nuôi bằng hai con đường: doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi chủ động đưa vào để tạo hình ảnh chất lượng thức ăn tốt, hình thể đẹp và người nuôi tự pha trộn. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát còn gặp khó khăn, các biện pháp hành chính không đủ mạnh; các hộ nuôi pha trộn tạp chất thường nhỏ lẻ, phân tán nên khó phát hiện.

Do đó trong năm 2015, Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất với Chính phủ nhiều biện pháp quyết liệt để quản lý chất cấm trong chăn nuôi, phấn đấu không còn tình trạng sử dụng chất cấm trong thịt, tôm, cá phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản Việt Nam.

Ngành nông nghiệp phải đổi mới

Cùng ngày, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2015 của ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng mặc dù ngành nông nghiệp tăng trưởng 3,31% trong năm 2014 nhưng thu nhập trong khu vực nông nghiệp còn rất thấp. Theo tính toán, thu nhập trên 1 ha gieo trồng ở nước ta hiện nay chỉ đạt 3.100 USD, tương đương hơn 60 triệu đồng. Tính riêng ra thì khu vực trồng trọt có thu nhập là 82 triệu đồng/ha và khu vực thủy sản là 168 triệu đồng/ha, đều tăng cao hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, mức thu nhập này còn rất thấp so với các nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan (12.000 USD/ha) hay Hà Lan (40.000 USD/ha).

Cùng với đó, thu nhập của người nông dân Việt Nam cũng còn rất thấp. Cụ thể, hiện Việt Nam có hơn 47 triệu lao động là nông dân và mức thu nhập bình quân là 25-26 triệu đồng/người/năm.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh nếu ngành nông nghiệp không đổi mới, tái cơ cấu thì sẽ thua trên sân nhà với các mặt hàng cạnh tranh lợi thế. “Tư duy giá rẻ, bao cấp là điều vô cùng nguy hiểm. Cái gì cũng muốn rẻ… Hàng hóa rẻ lấy đâu ra chất lượng và cạnh tranh. Do đó giá cả phải theo thị trường và tương ứng với chất lượng dịch vụ, nâng tầm giá trị hàng hóa Việt” - Phó Thủ tướng nêu quan điểm.

Mặt khác, Phó Thủ tướng cũng lưu ý hiện tổng cầu thấp nhưng lòng tin của người tiêu dùng đã tăng trên 60%. Đây là cơ hội để thị trường phục hồi và phát triển trong năm 2015. Vì vậy Bộ NN&PTNT cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; đặc biệt là soạn thảo văn bản phù hợp với thực tế. Văn bản ban hành mà không giải quyết được vấn đề thì phải xem lại để cắt giảm thủ tục hành chính.

Theo Trà Phương

Pháp luật TPHCM

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *