Tiền và Hàng 09/01/2015 08:26

Nối lại quan hệ với Mỹ, trong 3-5 năm tới, Cuba vẫn chưa tự túc được gạo

FICA - Mặc dù các doanh nghiệp gạo Hoa Kỳ rất mong muốn tiếp cận thị trường Cuba, nhưng trong ngắn hạn hai nước sẽ chưa thể có đột phá trong giao thương nói chung và trao đổi lương thực, trong đó có mặt hàng gạo nói riêng.

Theo nhận định của Thương vụ Việt Nam tại Cuba, mặc dù nước này và Hoa Kỳ đã thiết lập lại quan hệ ngoại giao và chấp nhận đối thoại song phương, nhưng để bình thường hóa quan hệ thực sự cần phải có thời gian và không dễ dàng do hai bên có sự khác biệt rất lớn về lập trường nguyên tắc cơ bản. Bởi vậy, về giao thương nói chung giữa hai nước trong năm 2015 dự kiến chưa có bước tiến đột phá.

Hoa Kỳ nối lại quan hệ với Cuba như một động thái thay đổi cách tiếp cận đối với quốc gia này do chính sách “quả chín rụng”- tức là không can thiệp vũ trang, chỉ dùng các biện pháp bao vây, cấm vận nhằm cô lập chế độ và chính quyền tại Cuba, tiến tới tự sụp đổ-mà Hoa Kỳ áp dụng đối với Cuba trong 53 năm qua đã không đem lại kết quả như mong muốn. Việc Hoa Kỳ dùng các biện pháp khác, trong đó có chi phối về kinh tế, tài chính, thông tin… nhằm tạo sự bất ổn tại Cuba sau khi bình thường hóa quan hệ là khả năng có thể xảy ra.

Cùng với việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Cuba, Hoa Kỳ công bố lệnh trừng phạt đối với Venezuela. Trong bối cảnh giá dầu lửa xuống thấp kỷ lục tác động mạnh tới các nước chế biến và xuất khẩu dầu mỏ như Venezuela. Điều này cho thấy những tính toán của Hoa Kỳ trong đối sách nhằm triệt hạ phong trào cánh tả trong khu vực. Cuba chắc chắn sẽ không khoanh tay đứng nhìn quốc gia láng giềng Venezuela bị Mỹ trừng phát do từ lâu Cuba là “con chim đầu đàn” của phong trào cánh tả trong khu vực và lập trường nguyên tắc của Cuba về vấn đề này đã được Lãnh đạo Cuba nêu rõ: “Ai khoanh tay đứng nhìn tội ác thì cũng giống như phạm chính tội ác đó vậy”. Chính vì lẽ ấy, việc bình thường hóa thực sự quan hệ Cuba- Hoa Kỳ khó có thể diễn ra nhanh chóng.

Mặc dù vậy, việc Cuba và Hoa Kỳ thiết lập lại quan hệ ngoại giao vẫn được đánh giá là động thái tích cực, gây bất ngờ cho giới phân tích và người dân Cuba. Động thái này có thể chưa đem lại những thay đổi vượt bậc trong ngắn hạn nhưng cũng sẽ cải thiện môi trường quan hệ giữa hai nước.

Tuy nhiên, cấm vận của Hoa Kỳ đối với Cuba thì chưa thể xóa bỏ ngay do đã được cụ thể hóa bằng luật, tối thiểu trong vòng hai năm còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Barack Obama. Xóa bỏ cấm vận Cuba phải được Nghị viện Hoa Kỳ thông qua, trong khi đó uy tín của Tổng thống Barack Obama trước Nghị viện được đánh giá không cao, ít nhất là không cao bằng uy tín của Tổng thống Bill Clinton khi xóa bỏ cấm vận cho Việt Nam. Mặt khác trong Nghị viện Hoa Kỳ có nhiều nghị sĩ gốc Cuba và Mỹ La Tinh chống phá Cuba một cách cực đoan nên chắc chắn họ sẽ đấu tranh quyết liệt để duy trì cấm vận đối với Cuba.

Từ 3 đến 5 năm tới Cuba chưa tự túc được gạo

Cho đến nay, Cuba nhập khẩu gạo của Việt Nam để phân phối cho dân theo tem phiếu và bán lẻ đại trà giá rẻ nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Trong bối cảnh nêu trên, mặc dù các doanh nghiệp gạo Hoa Kỳ rất mong muốn tiếp cận thị trường Cuba, nhưng trong ngắn hạn hai nước sẽ chưa thể có đột phá trong giao thương nói chung và trao đổi lương thực, trong đó có mặt hàng gạo nói riêng. Mặt khác, nếu các doanh nghiệp Hoa Kỳ có tiếp cận được thì cũng sẽ trong tình trạng chung, khi mà chủ trương của Chính phủ Cuba là phát triển sản xuất trong nước, tiến tới giảm nhập khẩu và tự túc lương thực vì vấn đề an ninh lương thực được coi là an ninh quốc gia.

Nếu doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp cận thị trường Cuba nhiều khả năng sẽ chỉ tập trung vào phân khúc thị trường gạo phẩm cấp cao (gạo hạt dài, 4% tấm) được bán trong hệ thống các siêu thị bằng đồng CUC. Hàng năm, Cuba nhập khẩu khoảng 30-35 ngàn tấn gạo phẩm cấp như đã nêu từ Achentina, Tây Ban Nha, Brazil …để phân phối trong các siêu thị cho những đối tượng có tiền và kén gạo.

Hơn nữa, do Chính phủ Cuba coi an ninh lương thực là an ninh quốc gia, nên rất khó để Cuba thay đổi đối tác truyền thống đối với mặt hàng này chuyển sang làm với đối tác Hoa Kỳ, trong bối cảnh Cuba đã rút được kinh nghiệm từ Venezuela và Haiti khi hai nước này đã bị các công ty thân Mỹ, độc quyền về gạo đầu cơ đẩy giá gạo tăng cao, tạo tình trạng khan hiếm nhằm gây bất ổn chính trị xã hội.

Hiện nay, sản xuất gạo của Cuba tăng năm sau so với năm trước khoảng 17-22% về sản lượng, tương đương khoảng 35-40 ngàn tấn/ năm. Căn cứ vào sản lượng sản xuất đạt khoảng 300 ngàn tấn/năm và nhu cầu tiêu thụ xấp xỉ 650 ngàn tấn/ năm, có thể thấy nếu Cuba áp dụng chiến lược phát triển tốt và tăng cường những kết quả đạt được, thì việc quốc gia này tự túc được lúa gạo trong vòng 5-7 năm tới là hoàn toàn có thể.

Theo những phân tích ở trên, từ 3 đến 5 năm tới Cuba chưa tự túc được gạo. Như vậy, hàng năm dự kiến Cuba sẽ tiếp tục đề nghị mua 200 ngàn tấn diện hợp đồng chính phủ, trừ khi tìm được đối tác từ nước khác bán gạo rẻ hơn với cùng các điều kiện về chất lượng và tín dụng hoặc được ưu đãi hơn so với khi mua của Việt Nam.

Tóm lại, khi nào Cuba còn nhập khẩu gạo thì gạo Việt Nam sẽ vẫn có lợi thế cạnh tranh do là gạo giá rẻ, bán trả chậm tới 540 ngày, cân đối giá cả và chất lượng hợp lý. Các công ty tư bản nói chung và công ty gạo Hoa Kỳ nói riêng sẽ khó chấp nhận điều kiện thanh toán trả chậm như đã đề cập. Bởi vậy, trong ngắn hạn thị trường gạo Cuba dự kiến vẫn là thị trường tiêu thụ ổn định gạo Việt Nam.

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *