Tiền và Hàng 08/01/2015 21:55

Smartphone và cuộc cách mạng bán hàng online

FICA - Với dân số 90 triệu người, có 39% người Việt sử dụng Internet, số lượng thuê bao di động trên 130 triệu thuê bao (1 người Việt trung bình có 1,45 thẻ SIM điện thoại), trong đó 34% dân số có sử dụng internet qua nền tảng di động.

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT và CNTT), Bộ Công Thương vừa công bố Báo cáo Thương mại điện tử trên nền tảng di động Việt Nam 2014 (Vietnam Mobile E-Commerce Report 2014).

Theo Báo cáo, trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn, thương mại điện tử (TMĐT) với cuộc cách mạng công nghệ di động – được dẫn đầu bởi điện thoại thông minh và các phần mềm ứng dụng – đang góp phần thúc đẩy hoạt động bán lẻ, tạo ra sự chuyển hướng căn bản trong mối quan hệ tương tác giữa người tiêu dùng, nhà bán lẻ và thương hiệu hàng hóa.

Khi người tiêu dùng sử dụng thiết bị di động với phần mềm ứng dụng trên thiết bị để tìm kiếm, truy cập, so sánh và mua sắm hàng hóa thì giải pháp di động đang trở thành một kênh kinh doanh quan trọng cho ngành bán lẻ.

Thống kê từ các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam cho thấy các nhà bán lẻ đang cố gắng thích nghi với khuynh hướng TMĐT trên nền tảng di động. Không chỉ tích cực giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, các chương trình khuyến mại trên môi trường mua sắm di động, các doanh nghiệp bán lẻ còn đầu tư thiết kế các ứng dụng di động riêng cho thương hiệu của mình.

Đầu tư vào nền tảng di động phục vụ cho giao dịch B2C được nhiều doanh nghiệp bán hàng xác định là hướng đầu tư chiến lược trong tương lai, thể hiện ở tỷ lệ đầu tư vào nền tảng di động chiếm tới 68% trong cơ cấu đầu tư vào nghiên cứu các nền tảng công nghệ mới. Tuy nhiên, cơ cấu đầu tư vẫn tập trung chủ yếu vào hoạt động truyền thông, chiếm 73%, trong khi đầu tư vào công nghệ chỉ chiếm 27%.

Đối với hoạt động bán hàng B2C, thống kê từ doanh nghiệp và các giao dịch thực tế cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng truy cập thông qua các thiết bị di động như smartphone, tablet chiếm 28%, tuy nhiên số lượng giao dịch được thực hiện thông qua các thiết bị di động chỉ chiếm 13%.

Các kết quả khảo sát trên cho thấy, thương mại điện tử trên nền tảng di động (mobile e-commerce) đang thực sự từng bước đi vào sâu trong lĩnh vực bán lẻ với vai trò chuyển đổi từ một kênh liên lạc sang vai trò kênh tương tác giữa nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Khả năng tiếp nhận từ phía người tiêu dùng là rất khả quan, do đó vấn đề đối với các nhà bán lẻ là phải giải quyết hài hòa bài toán công nghệ và đảm bảo dịch vụ thương mại cốt lõi của doanh nghiệp.

Một mô hình thương mại điện tử khác hiện đang phổ biến tại Việt Nam là Sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) cũng đang có những bước chuyển mình để định hướng đầu tư vào nền tảng di động. Các ứng dụng xoay quanh mô hình C2C được chia thành 2 nhóm chính: Nhóm các doanh nghiệp phát triển giải pháp di động dựa trên nền tảng cộng đồng người tiêu dùng đã có sẵn trên các nền tảng web; Nhóm các doanh nghiệp chưa có tập khách hàng sẵn mà tận dụng lợi thế phát tán nhanh của nền tảng di động để quảng bá ứng dụng và xây dựng cộng đồng người mua và bán.

Nhóm 1, đại diện là các doanh nghiệp có website uy tín, có số lượng người dùng đông đảo nên khi mở rộng ứng dụng di động có nhiều lợi thế về người dùng. Các ứng dụng thuộc Nhóm 1 này cũng được thiết kế để tận dụng các tính năng đơn giản của thiết bị di động như gọi điện, nhắn tin, v.v...

Nhóm 2, đại diện là các doanh nghiệp cố gắng giải quyết bài toán công nghệ trước, tạo ra một nền tảng ứng dụng tốt sau đó tập trung triển khai xây dựng cộng đồng người bán – người mua. Nhóm này có ưu điểm là định hướng trên nền tảng di động ngay từ đầu nên ứng dụng phù hợp với người sử dụng di động với nhiều tính năng phong phú, nền tảng công nghệ tốt.

Phát triển dịch vụ thanh toán điện tử trên di động

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thanh toán trên di động, như có số lượng người dùng di động lớn (148% dân số), người tiêu dùng có xu hướng mua sắm trực tuyến cao. Thị trường thanh toán trực tuyến trên di động tại Việt Nam có tiềm năng phát triển, ngoài các điều kiện thuận lợi về môi trường, còn xuất phát từ thực tế phần lớn người dùng Việt Nam có như cầu sử dụng dịch vụ chuyển tiền, chiếm đến 45% dân số.

Ngoài ra, người tiêu dùng tại Việt Nam cũng cho thấy sự hứng thú và quan tâm bước đầu tới các tiện ích thanh toán trên di động. Có 19% người được khảo sát biết về các dịch vụ thanh toán trên di động, 10% tỏ ra quan tâm, mong muốn tìm hiểu và sử dụng dịch vụ thanh toán di động. Tuy nhiên tỷ lệ đã từng sử dụng thanh toán trên di động còn rất hạn chế, chỉ chiếm 1%. Khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua di động, người tiêu dùng Việt Nam sử dụng trong 2 mục đích chính là chi trả hóa đơn và chuyển tiền.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng điện tử trên toàn cầu, dịch vụ Ngân hàng trên di động, một trong những dịch vụ của ngân hàng điện tử hứa hẹn sẽ có sự phát triển nhanh và rộng khắp trong thời gian tới tại Việt Nam. Ngày càng có nhiều ngân hàng triển khai dịch vụ ngân hàng di động, năm 2014 có trên 30 ngân hàng tham gia thị trường này. Dịch vụ ngân hàng di động cho phép khách hàng sử dụng các dịch vụ từ đơn giản như tra cứu số dư tài khoản, thanh toán hóa đơn điện tử, mua các loại thẻ trả trước như thẻ điện thoại di động cho đến các giao dịch phức tạp như chuyển khoản trong cùng một hệ thống ngân hàng.

Kinh doanh nội dung số trên thiết bị di động

Dịch vụ nội dung số trên thiết bị di động tại Việt Nam được triển khai rất đa dạng với nhiều nhóm nội dung phong phú, tuy nhiên nếu phân theo phương thức thanh toán thì có 2 nhóm chính: Người dùng trả phí trực tiếp và sử dụng cho từng nội dung số. Người dùng đăng kí thuê bao để sử dụng dịch vụ nội dung số trực tuyến.

Hình thức cung cấp dịch vụ thứ nhất phát triển từ rất lâu, từ những ngày đầu tiên của dịch vụ nội dung số trên nền tảng di động. Người dùng có thể tải nhạc chuông, nhạc chờ, hình nền… về điện thoại của mình thông qua tin nhắn SMS, hoặc tải xuống trực tiếp qua Internet. Phí thanh toán có thể được chi trả thông qua tin nhắn trừ trực tiếp vào thuê bao, hoặc trừ tiền vào thuê bao di động trả sau, nạp thẻ cào, thanh toán trực tuyến qua thẻ ngân hàng… Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam chưa có tâm lý sẵn sàng trả tiền mua các nội dung số để sử dụng, mà thay vào đó chủ yếu tìm kiếm nội dung miễn phí, hoặc nội dung số bản quyền nhưng đã được phá khóa tương ứng là 9% và trên 82%, chiếm trên 90% kết quả khảo sát. Số lượng người sử dụng sẵn sàng trả tiền mua nội dung bản quyền chỉ có 6%.

Hình thức thứ 2 cho phép người dùng có thể lựa chọn hình thức thanh toán theo định kỳ một khoản phí thuê bao để sử dụng dịch vụ. Các ứng dụng di động cho phép người sử dụng xem các chương trình truyền hình, hoặc một số ứng dụng cho phép người dùng xem phim với độ phân giải cao sau khi đã trả một khoản phí nhất định. Thực tế, người tiêu dùng Việt Nam đã bước đầu thay đổi thói quen đối với việc thanh toán chi phí để có thể sử dụng các dịch vụ trực tuyến như xem phim trên di động. Trên 20% số người được khảo sát sẵn sàng chi trả cho việc xem phim trực tuyến trên di động.

Thương mại điện tử trên nền tảng di động tại Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tiên phát triển với nhiều dấu hiệu rất tích cực. Với tiềm năng thị trường lớn, đây chắc chắn là xu hướng sẽ được các nhà đầu tư, nhà phát triển ứng dụng, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, khai thác. Đây là cơ hội lớn cho các nhà phát triển ứng dụng cũng như các doanh nghiệp để mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng đồng thời cũng là áp lực với các đơn vị để theo kịp được xu thế quan trọng của thương mại điện tử.

Các doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm chắc chắn sẽ có lợi thế trong khi các đơn vị trong nước vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu, phát triển. Do đó, đòi hỏi các nhà phát triển ứng dụng và các doanh nghiệp trong nước cần có sự trao đổi, hợp tác với nhau để cùng phát triển các sản phẩm phục vụ cộng đồng người sử dụng với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, thương mại điện tử trên di động cũng không vượt ngoài khuôn khổ những giá trị thương mại truyền thống khi chất lượng dịch vụ là cốt lõi. Các hạ tầng hỗ trợ cho thương mại điện tử như thanh toán, chuyển phát cũng cần được các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, đầu tư phát triển. Trên cơ sở đó, thương mại điện tử trên di động sẽ góp phần chắp cánh cho lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *