Tiền và Hàng 09/09/2014 14:47

Giày dép nội: Nguy cơ “thua" trên sân nhà

Mẫu mã sản phẩm đơn giản, chất lượng chỉ đáp ứng phân khúc thấp và trung bình, giày dép nội khó có thể cạnh tranh và có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.

Theo lộ trình giảm thuế, cuối năm 2015 Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), thuế xuất khẩu giày dép trong khối sẽ về 0%, hàng rào thuế quan được xóa bỏ. Điều đó cũng có nghĩa, AEC mở ra một thị trường xuất khẩu tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, nếu nhìn vào thực lực của doanh nghiệp sản xuất giày dép trong nước mới thấy đây là thực chất là nguy cơ chứ không hẳn là cơ hội.

Bà Phan Thị Thanh Xuân- Tổng thư ký hiệp hội da-giày-túi xách Việt Nam- cho biết: Khi AEC chính thức được thành lập, hàng rào thuế quan được xóa bỏ, sản phẩm giày dép của các nước trong khối sẽ tràn vào Việt Nam. Khi đó, giày dép nội sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh rất quyết liệt.

Trên thực tế, “một số doanh nghiệp Thái Lan đã đưa sản phẩm giày dép vào thị trường Việt Nam. Sự chênh lệch về giá giữa sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm nội địa rất rõ ràng”- bà Xuân nói. Trong khi đó, năng lực sản xuất của doanh nghiệp làm hàng nội địa thực sự đáng lo ngại. Mẫu mã sản phẩm rất đơn giản, chủ yếu đáp ứng ở phân khúc trung và thấp cấp. Sản phẩm cao cấp rất ít và chưa thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Cũng theo bà Xuân: Mỗi năm nhu cầu tiêu thụ nội địa sản phẩm gìày dép khoảng 150 triệu đô, trong đó giày dép nhập khẩu vẫn chiếm đa phần. Thương hiệu giày dép nội rất hiếm hoi. Đơn cử, thương hiệu Vina Giày hiện rất mờ nhạt; Thương hiệu Bitis có tiếng tăm hơn nhưng cũng chỉ được biết đến với sản phẩm giầy, dép cho trẻ em…

Sự yếu kém của sản phẩm cũng như doanh nghiệp sản xuất giày dép nội địa vẫn được chỉ ra là do sự hạn chế về nguồn nguyên phụ liệu, không có hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật kiểm soát đầu vào. Sức hấp dẫn của hàng xuất khẩu cũng thu hút phần lớn những “tinh hoa” của ngành da giày Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn chỉ ra rằng, chính sự thờ ơ của doanh nghiệp nội địa, sự thỏa mãn chính mình là “tảng đá” kéo chậm sự phát triển của giày dép nội.

Thiếu nhân lực, nhất là lao động trong khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm, theo bà Xuân, đây cũng là nguyên nhân cơ bản khiến sản phẩm giày dép nội địa bị bó trong phạm vi hẹp.

AEC vốn là cơ hội tốt cho ngành da giày Việt Nam mở rộng thị trường, liên kết phát triển nguồn nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, với tình trạng hiện nay khả năng cạnh tranh của giày dép nội địa là rất khó khăn và có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.

Thời điểm AEC chính thức được thành lập không còn nhiều, nhưng theo bà Xuân, đây là khoảng thời gian cần thiết để doanh nghiệp trong nước tự cải thiện chất lượng sản phẩm, quảng bá hình ảnh trên thị trường nội địa, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Tiếp cận với thông  tin về AEC để nghiên cứu và xây dựng chiến lược phát triển phù hợp cho doanh nghiệp.

Theo Việt Nga

Báo Công thương

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *