Tiền và Hàng 14/12/2013 16:39

Giải pháp cho ngành điện: Xoay quanh tăng giá và đi vay!

FICA - Quan trọng là EVN cần tiết giảm chi phí, giảm tổn thất điện năng để có lãi. Đồng thời, sớm tái cơ cấu EVN, xóa bỏ độc quyền để tạo sân chơi bình đẳng nhằm thu hút đầu tư dự án điện và phát triển thị trường điện cạnh tranh.

Tại cuộc hội thảo "Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách" PGS, TS. Nguyễn Minh Duệ, Ủy viên thường trực Ban chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng cho biết, theo dự báo, nhu cầu điện tăng khoảng14-15% mỗi năm giai đoạn 2010-2025. Để đảm bảo sự phát triển điện trong những thập kỷ tới, cần thiết huy động nguồn vốn rất lớn.

Theo Quy hoạch Điện VII, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện đếnnăm 2030 lên tới 2.359 nghìn tỷ đồng, tương đương 123,8 tỷ đồng (bình quân 6,19 tỷ USD/năm).

Theo ông Duệ, do ngành điện cần vốn đầu tư rất lớn, tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn dài, khả năng trả nợ gốc và lãi hạn chế; do đó tính hấp dẫn không cao, khó thu hút được nhiều vốn trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, phần lớn các dự án điện lại có công nghệ, kỹ thuật phức tạp, quy mô lớn nên cũng gây nhiều khó khăn trong thẩm định cho vay vốn.

Theo báo cáo của EVN và Bộ Công Thương, trong những năm gần đây, EVN gặp nhiều khó khăn về tài chính, nguồn vốn tự có tích lũy từ lợi nhuận bị hạn chế. Để tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển theo Quy hoạch điện VII, nhìn vào giải pháp: tăng giá điện và vay vốn.

Tuy nhiên, ông Duệ cho rằng, tính khả thi của tăng doanh thu trên cơ sở tăng giá điện sẽ gặp khó khăn vì sức chịu dựng của các doanh nghiệp, người dân; ảnh hưởng đến lạm phát.

Về vay vốn, đặc biệt vay vốn nước ngoài cũng rất khó khăn, trong khi số dư nợ của EVN hiện nay khá lớn. Ngoài ra, các khoản nợ của EVN tại các ngân hàng trong nước và các tổng công ty điện lực thuộc PVN, TKV cũng đáng kể. Mặt khác trong điều kiện hiện nay lãi suất huy động lớn hơn lãi suất vay đối với dự án điện, đây cũng là khó khăn trong đàm phán vay vốn.

EVN phải tiết giảm chi phí, xóa bỏ độc quyền

Ông Duệ cho rằng, Bộ Công Thương cần rà soát, hiệu chỉnh Quy hoạch điện VII về dự báo phụ tải, các công trình nguồn, lưới điện; xác định nhu cầu vốn, cân đối tiến độ đầu tư các dự án điện trên toàn quốc phù hợp với năng lực tài chính và khả năng triển khai, tránh đầu tư dàn trải, dừng các dự án không hiệu quả trong thời gian quy họach, đặc biệt giai đoạn 2014 – 2020 .

Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn vốn tự có, EVN và các doanh nghiệp đầu tư dự án điện phải có lợi nhuận trên cơ sở nâng cao hiệu quả đầu tư và tiết giảm chi phí trong sản xuất các nhà máy điện, giảm tổn thất trên lưới truyền tải và phân phối điện. Về phía Nhà nước cần ban hành chính sách giá điện hợp lý, minh bạch; ban hành khung giá điện công khai và thống nhất để tạo điều kiện tốt cho hoạt động của thị trường điện. Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng nhằm tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Để đảm bảo nguồn vốn vay, Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn quốc tế, đặc biệt vốn ODA đa phương và song phương; các ngân hàng trong nước tiếp tục đồng hành thu xếp vốn cho các dự án nguồn và lưới điện nhằm tạo điều kiện cho EVN và ngành điện thực hiện tốt nhiệm vụ cung ưng điện. Các doanh nghiệp vay vốn phải tôn trọng các quy định về các hợp đồng vay trả vốn và lãi đúng kỳ hạn, giữ uy tín là khách hàng vay vốn.

Ông Duệ cũng cho rằng, cần thiết thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh đích thực mới thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư dự án nguồn điện. Đồng thời, tái cơ cấu để EVN có cơ cấu hợp lý tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, xóa bỏ độc quyền nhằm góp phần đảm bảo cung ứng điện cho sự phát triển kinh tế xã hội. Để tạo sân chơi bình đẳng nhằm thu hút đầu tư dự án điện và phát triển thị trường điện cạnh tranh cần xúc tiến ngay tái cơ cấu ngành điện, đặc biệt là EVN.

 

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *