Tiền và Hàng 09/04/2015 15:23

Đủ mọi lực lượng, sao hàng giả vẫn “ngập” thị trường?

FICA - Số vụ bắt giữ hàng giả gia tăng, tính chất và mức độ các vụ vi phạm ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp (DN) bị làm giả ngày càng nhiều nhưng những vụ vi phạm hàng gian, hàng giả bị xử lý còn ít khiến Việt Nam đang là "mảnh đất lành" cho hàng gian, hàng giả.

Đủ mọi lực lượng ngăn chặn, hàng giả vẫn nhiều

 

Tại buổi Toạ đàm: “Chống hàng giả, cần sự quyết liệt của nhiều ngành” được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 9/4, ông Nguyễn Trọng Tiến, Phó Cục trưởng cục quản lí thị trường - Bộ Công Thương cho biết, năm 2014, cơ quan này đã xử lý trên 17.000 vụ/21.000 vụ hàng giả các loại, số tiền xử phạt trên 57 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 53 tỷ đồng. Các nhóm  hàng giả xuất hiện liên quan nhiều đến rượu, nước giải khát, mỹ phẩm và các loại vải quần áo...  Hàng giả đang ở mọi lĩnh vực, mọi sản phẩm trên thị trường nên nó đang là vấn đề những nhối của toàn xã hội.

 

Theo thống kê, năm 2014, cả nước bắt giữ và xử lý gần 230.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, 22.000 vụ vi phạm hàng giả. Căn cứ vào đó, tính chất và quy mô khác hơn nhiều những năm trước đây, có những vụ cơ quản quản lý thị trường phát hiện hàng chục tấn hàng giả mạo đủ các thể loại. Theo đánh giá của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, kết quả xử lý hàng gian, giả chưa tương xứng. Năm 2014 các lực lượng này đã bắt giữ hơn 21.645 vụ hàng giả.

 

Ông Lê Thế Bảo Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả Việt Nam cho rằng: “Chúng ta có đủ mọi lực lượng ra quân chống hàng giả nhưng phải đặt câu hỏi vì sao hàng giả vẫn tràn ngập thị trường”. Hàng giả tồn tại, trước hết do sự yếu kém của cơ quan chức năng, cấp, ban ngành chưa thực sự vào cuộc quyết liệt. Doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cũng chưa thực sự phối hợp được với lực lượng chức năng để đấu tranh triệt để đối với tình trạng này. Chế tài xử lý chưa đồng bộ, giải thích khó khăn là những căn nguyên chính khiến chống hàng giả tại Việt nam hiện rất rời rạc, dù chúng ta có đủ lực lượng, đủ mọi cấp.

 

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện hàng giả về sở hữu trí tuệ, kiểu dáng, chỉ dẫn địa lý, tem, nhãn mác, bao bì, chất lượng và giá trị sử dụng. Trên 17.000 vụ không đủ nhiều để truy tố pháp luật, chỉ số it trong đó được chuyển cho cơ quan kiểm soát điều tra để truy tố trước pháp luật vì đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

 

Luật hoàn chỉnh, chỉ “vướng” ở cách xử lý

 

Ông Nguyễn Văn Cẩn - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nguyên nhân một số vụ chưa xử lý hình sự chủ yếu là vướng mắt về luật pháp, khái niệm về “hàng giả” cho đến “hàng nhái” có nhiều văn bản khác nhau nên hiểu chung nhất về các loại mặt hàng này giữa các cơ quan thực thị như: cảnh sát, tòa án, tư pháp đều không thống nhất. Để xác định hàng giả, các cơ quan này phải căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý nhưng luật chưa quy định đầy đủ đó là khó khăn.

 

Theo ông Trần Đức Vĩnh – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công An: so với các nước trong khu vực, con số các vụ phát hiện và xử lý hàng giả của chúng ta tương đương nhưng số vụ việc được phát hiện và xử lý vẫn chưa phản ánh được sự thiệt hại của người tiêu dùng, số người tiêu dùng mua phải hàng giả còn lớn hơn nhiều lần. Người tiêu dùng Việt Nam đa phần mua hàng không có hóa đơn chứng từ nên khi khiếu nại đến cơ quan chức năng thì không thể xử lý được.

 

Ông Lê Thế Bảo nói thêm,muốn đấu tranh chống hàng giả thì vai trò DN quan trọng nhất, không ai hiểu hàng giả nhiều hơn DN. Họ hiểu đường đi nước bước của hàng giả, hàng giả được sản xuất như thế nào, nhập khẩu từ đâu? Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều DN sợ đối mặt và chống lại hàng giả vì nghĩ, nếu người tiêu dùng biết sản phẩm của mình được làm giả uy tín thương hiệu mình sẽ giảm. Nhiều DN chọn cách tiêu cực “sống chung” với hàng giả.

 

“Công an, Hải Quan, Quản lý thị trường hoạt động còn rời rạc. Các anh làm bao nhiêu vụ, xử lý thế nào chúng tôi không quan tâm nhưng đừng để xã hội bức xúc, người tiêu dùng và DN mất niềm tin ở cơ sở. Luật pháp của Việt Nam về chống hàng giả được xem là bộ luật tương đối hoàn chỉnh, giờ chỉ cần quy trình xử lý hiệu quả, có liên kết và thống nhất giữa các cơ quan nữa mà thôi”, ông Bảo cho biết.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *