Tiền và Hàng 13/05/2014 21:10

Doanh nghiệp tung chiêu “lách luật” áp trần giá sữa?

Trong khi việc áp trần giá sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi còn chưa được thực thi thì trên thị trường đã có hiện tượng doanh nghiệp “lách luật” làm khó cho các nhà quản lý, còn người tiêu dùng không khỏi hoang mang.

 

Vừa qua, Bộ tài chính đã đưa ra quyết định áp trần giá sữa đối với sữa bột trẻ em dưới 6 tuổi nhằm giảm giá và bình ổn thị trường sữa. Tuy nhiên, khảo sát các đại lý sữa trên địa bàn Hà Nội thì thấy rằng, hiện giá sữa bột dành cho trẻ không những không giảm mà có mặt hàng sữa còn tăng, thậm chí các doanh nghiệp còn "lách luật" bằng cách thay đổi mẫu mã, bao bì và dung lượng sản phẩm để dễ bề tăng giá.

Hiện tại, hai hãng sữa là Abbott và Mead Johnson đã có thông báo tới các đại lý phân phối sẽ thay đổi mẫu mã và giảm trọng lượng sản phẩm một số dòng sữa. Cụ thể dòng sữa lon PediaSure của Abbort có trọng lượng 900g sẽ được thay thế bằng lon loại 850g nhưng giá bán vẫn giữ nguyên giá cũ (560.000- 575.000 đồng/lon).

Người tiêu dùng hoang mang trước biến động của thị trường sữa

Còn các sản phẩm của hãng sữa Mead Johnson thời gian tới sẽ thay đổi mẫu mã mới cho một số sản phẩm và tăng giá bán lên từ 5-7%. Ví dụ như loại Enfa A+ loại 1,8kg với mẫu mã mới sẽ có giá 850.000 đồng/hộp, trong khi giá bán hiện tại là 805.000 đồng/hộp. Ngoài ra, Mead Johnson sẽ cung cấp thêm các sản phẩm mới như Enfamil A+ và Enfagrow A+ sẽ được thay thế dần bằng các sản phẩm Enfamil A+ 360* Brain Plus và Enfagrow A+ 360* Brain Plus. Theo đó, các sản phẩm mới bán cao hơn sản phẩm cũ khoảng 50.000đồng/lon 900g.

Theo ghi nhận của PV thì nhiều bậc phụ huynh lo ngại trước việc thay đổi bao bì và tăng giá nên đã đi “gom” những loại sữa có bao bì cũ. Theo chị Phạm Thị Hương (Trương Định- Hoàng Mai) thì: “Việc chọn được một loại sữa vừa phù hợp với túi tiền, vừa hợp khẩu vị của con là rất khó. Vậy nên, thông tin nhiều hãng sữa tới đây thay đổi bao bì, cũng như công thức vi chất trong các sản phẩm khiến tôi rất lo lắng, phải đi mua dự trữ sữa cho con ngay. Thực tế, nếu sữa cứ “nhảy múa” về giá cũng như bao bì như thế này chúng tôi rất hoang mang, không biết sẽ chọn sản phẩm nào cho con trong thời gian tới”.

Một chủ đại lý sữa ở phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm-Hà Nội) cho biết: "Thời gian tới đây một số loại sữa như Ensure hay Pediasure của Abbort dù giữ giá cũ nhưng sẽ giảm trọng lượng nên mấy ngày nay nhiều phụ huynh có điều kiện về tài chính sẽ đi gom sữa do các đại lý vẫn còn tồn hàng cũ. Với cách làm này thì thời gian tới với số tiền như vậy người tiêu dùng sẽ nhận được sản phẩm sữa thụt đi từ 50-100g/sản phẩm”.

Chiêu thức thay đổi bao bì, mẫu mã, thêm vài chất... trong sữa công thức để dễ bề tăng giá đã không phải là mới. Tuy nhiên, đây lại là một bài toán khó đối với các cơ quan quản lý, để kiểm soát chất lượng giữa cả trăm loại sữa như hiện nay là vấn đề khó. Thực tế, "ý tưởng" áp trần giá sữa đã được đề xuất từ năm 2009, nhưng nhanh chóng rơi vào quên lãng. Nên thiết nghĩ, các nhà quản lý khi quy định giá trần cần phải có quy định cụ thể về số lượng và chất lượng hàng hóa chứ không thể chung chung. Bởi với thực trạng các doanh nghiệp “làm xiếc” trong thị trường sữa như vậy thì mối lo lắng của người tiêu dùng sẽ còn dài.

 

Theo Huy An

Petrotimes

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *